Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ bảy, 30/12/2023 12:12
TMO - Đa dạng hoá sinh kế được xem là giải pháp hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các dự án, mô hình này góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân.
Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thuộc vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có diện tích trên 3.500 km2, dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó có 08 thành phần dân tộc chủ yếu. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có tổng số 336.411 hộ dân, trong đó số hộ nghèo là 14.624 hộ (chiếm 4,35%), hộ cận nghèo là 12.245 hộ (chiếm 3,64%).
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đối với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện, giải ngân được gần 54% trong tổng số kinh phí 37,2 tỷ đồng được phân bổ. Đã có 35 dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện, với sự tham gia của gần 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, nổi bật là các dự án phát triển mô hình sản xuất cây lục trúc lấy măng gắn với liên kết chuỗi giá trị nhằm cải thiện sinh kế góp phần giảm nghèo cho người dân tại Định Hóa; hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Mông tại xóm Bản Tèn, Văn Lăng, Đồng Hỷ; dự án liên kết chăn nuôi dê, sản xuất chè, nuôi gà thương phẩm tại các địa phương của tỉnh.
Huyện Phú Lương triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại địa phương.
Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao, vượt 0,65% kế hoạch huyện đề ra); toàn huyện giảm 209 hộ cận nghèo, hiện còn 790 hộ, bằng 2,88%. Năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Điển hình là thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, trong năm, huyện đã triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ 74 hộ. Theo đó, các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở xã Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo.
Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, huyện Định Hóa có 2.389 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,02%; 1.925 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,26%. Các hộ này không có đất sản xuất, không có vốn để sản xuất, kinh doanh và không có lao động. Trong năm 2023, huyện Định Hóa đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 5,5% trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,88% trở lên (763 hộ); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 2,62% trở lên (698 hộ). Đến nay, tỷ lệ nghèo đa chiều của toàn huyện giảm 6,30% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,60% (957 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 2,70% (721 hộ). Định Hóa cũng thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đến nay, tỷ lệ nghèo đa chiều của toàn huyện Định Hóa giảm 6,30% trở lên.
Tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc. Điều này được khẳng định tại Kế hoạch số 137/KH-UBND tỉnh Thái Nguyên truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Để giảm nghèo bền vững, hiệu quả, hiện tỉnh đã, đang triển khai tích cực các giải pháp của tỉnh lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục tạo nhiều nguồn lực hơn cho công tác giảm nghèo.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh; tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của kế hoạch và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...
Thu Hương
Bình luận