Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 17/05/2025 10:05
Thứ sáu, 16/05/2025 06:05
TMO - Nhằm nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, tỉnh Thái Bình đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Đây là giải pháp thiết thực giúp sản phẩm đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Thái Bình đã có nhiều bước tiến tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để sản phẩm OCOP thực sự lan tỏa trên thị trường, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ đang được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Bình, sản phẩm OCOP đã trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất nhỏ từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, toàn tỉnh có 216 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Để giúp các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và lan tỏa thương hiệu, rất cần những mô hình mở đường cho sản phẩm OCOP vươn ra thị trường. Do đó, ngay từ đầu năm 2025, Sở Công Thương Thái Bình phối hợp với Hội Nông dân thành phố Thái Bình tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phường Bồ Xuyên.
Cửa hàng có diện tích 80m2, với 100 sản phẩm OCOP thuộc nhiều ngành hàng, từ nông sản tươi, thủy sản, các sản phẩm chế biến sẵn cho tới thủ công mỹ nghệ đến từ các vùng miền, trong đó có hơn 50 sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây vừa là không gian trưng bày vừa là một trung tâm kết nối giữa sản phẩm đặc trưng của các địa phương với người tiêu dùng.
Đại diện Hội Nông dân thành phố cho biết, cửa hàng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, giúp các sản phẩm OCOP được biết đến rộng rãi, đồng thời tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất của tỉnh tìm đầu ra ổn định. Người dân mong muốn sản phẩm OCOP của Thái Bình tiêu thụ tại chỗ và có thể vươn xa, đi đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thậm chí là xuất khẩu, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho nông dân. Tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm đặc trưng của Thái Bình có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Các sản phẩm cũng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; từ những món ăn dân dã như: cốm, bánh cáy... đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thảo dược, nông sản sạch. Được biết, khách hàng đến mua sắm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ là người dân địa phương mà còn có những khách du lịch, thương nhân từ các tỉnh nên tạo cơ hội tốt lan tỏa thương hiệu và tăng thị phần cho sản phẩm OCOP.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp có sản phẩm được bày bán tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cho hay, khi sản phẩm được đưa vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm truyền thống của Thái Bình được biết đến nhiều hơn không chỉ ở tỉnh Thái Bình mà còn ở các địa phương khác.
Các sản phẩm OCOP của Thái Bình được chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã bao bì. (Ảnh: NH).
Cửa hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, bên cạnh bán được hàng, doan nghiệp còn được giúp đỡ về việc cải tiến, đổi mới mẫu mã, bao bì giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường hiện đại. Nhằm đồng hành với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các chủ thể OCOP về bán hàng trực tuyến, kỹ năng sử dụng các sàn thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, khoảng 100 sản phẩm OCOP của Thái Bình đang có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đặc biệt, Sở đã xây dựng hệ thống điểm bán hàng Việt tại các huyện, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố và tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nông sản của Thái Bình được lan tỏa rộng rãi hơn.
Đây là mô hình quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho người dân, bảo vệ thương hiệu đặc sản quê hương và góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương trong tỉnh.
Để sản phẩm OCOP có thể đứng vững trên thị trường, tỉnh Thái Bình cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và thiết kế bao bì chuyên nghiệp. Theo đó, nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đã được hỗ trợ kinh phí để cải tiến mẫu mã, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và tiêu chuẩn chất lượng.
Năm 2025, Thái Bình phấn đấu trên 80% sản phẩm đăng ký OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; 50% sản phẩm OCOP đã được công nhận sẽ được duy trì và nâng cấp.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu củng cố, phát triển từ 60 - 70 tổ chức kinh tế và hộ sản xuất nhằm mở rộng quy mô sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó ưu tiên các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ít nhất 50% chủ thể OCOP sẽ tham gia các kênh bán hàng hiện đại. Ngoài ra, có từ 1 - 2 làng nghề có cơ sở sản xuất sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Thuý Vân
Bình luận