Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 16:11
Thứ sáu, 17/02/2023 04:02
TMO - Tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương đạt 9-10 tỷ đô la Mỹ; năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ đô la Mỹ. Xây dựng 09 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích trung bình 70-75 ha/cụm...
Bình Dương hiện có 1.215 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Riêng doanh nghiệp trong nước có 905 doanh nghiệp, cùng với đó có 310 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Ngành chế biến gỗ là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Dương, nhờ tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngành gỗ Bình Dương đã đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường. Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các FTA với nhiều quốc gia, đặc biệt Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gỗ của Bình Dương hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, gần đây ngành chế biến gỗ của Bình Dương còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…
Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai nhằm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đạt trình độ công nghệ hiện đại, có khả năng sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương đạt 9-10 tỷ đô la Mỹ; năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ đô la Mỹ. Xây dựng 09 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích trung bình 70-75 ha/cụm; hoàn thành 01 cụm công nghiệp trong năm 2022 và tiếp tục hoàn thành 08 cụm còn lại trước năm 2025. Nhu cầu gỗ xẻ đạt 3.855.107 m3 và gỗ công nghiệp đạt 474.616 m3. Tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 20%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 10%/năm.
Tỉnh Bình Dương hướng tới hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ, phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững. Ảnh: CT
Thời gian tới, đối với ngành chế biến gỗ nguyên liệu, sẽ đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất các loại gỗ nguyên liệu chất lượng cao phục vụ ngành sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao cấp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, bao gồm đầu tư giống cây trồng để tạo ra những loại nguyên liệu gỗ nhân tạo, gỗ công nghiệp; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng (gỗ cao su và gỗ tràm) tại các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên; hình thành mối liên kết phát triển vùng nguyên liệu gỗ giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao cấp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động và tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh; duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại gỗ nguyên liệu chất lượng cao…
Đối với ngành sản xuất sản phẩm từ gỗ, sẽ đa dạng hóa mẫu mã các loại sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Cơ cấu sản phẩm gồm dòng sản phẩm cao cấp được làm từ gỗ cao cấp (chiếm 15- 20%) và sản phẩm chất lượng cao được làm từ gỗ có chất lượng phổ thông (80 - 85%) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu các loại sản phẩm đồ gỗ nội thất chất lượng cao của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm từ gỗ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước…
Việc phát triển khu, cụm công nghiệp ngành chế biến gỗ được thực hiện thông qua việc nghiên cứu, lựa chọn một số khu công nghiệp được quy hoạch, đáp ứng các điều kiện về quy mô diện tích, cơ sở hạ tầng, ngành nghề thu hút đầu tư để phát triển mô hình "nhà xưởng cao tầng trong khu công nghiệp" phục vụ thu hút các dự án đầu tư ngành sản xuất đồ gỗ nội thất; nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất đồ gỗ nội thất.
Đồng thời, bố trí các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất vào các khu công nghiệp gắn với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ. Phát triển cụm công nghiệp theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng; phân bố và quy hoạch các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp ngành chế biến gỗ tại các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương một cách hợp lý… Phát triển 09 cụm công nghiệp diện tích 650 ha theo hướng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, đặt mục tiêu hoàn thành 01 cụm công nghiệp trong năm 2022 làm thí điểm, và tiếp tục hoàn thành 08 cụm còn lại trước năm 2025. Bố trí 09 cụm công nghiệp ở các huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo.
Việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên. Theo đó, tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp ở các cấp, nhất là cấp huyện, đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất giông cây lâm nghiệp, trong đó cần đặc biệt quan tâm kiểm tra, giám sát nguồn gốc của lô vật liệu nhân giống (hạt giống, hom giống, cây đầu dòng...). Kiên quyết xử lý tiêu hủy tất các các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ đạo các cơ sở sản xuất giông nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật làm bầu từ vật liệu vi sinh tự hủy để giảm bớt công lao động cho người trồng rừng. Củng cố và phát triển vùng nguyên liệu trong nước về gỗ rừng trồng, gỗ nguyên liệu, gỗ xẻ... phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Sử dụng nguồn nguyên liệu thực vật để sản xuất composite gỗ và vật liệu gỗ thay thế gỗ nguyên liệu trong sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ để đảm bảo phát triển sản phẩm từ gỗ theo hướng “xanh” bền vững.
Quy hoạch trồng rừng gỗ lớn (rừng trồng quy mô lớn và trong cộng đồng) tại 03 huyện trọng điểm gồm Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Hình thành và phát triển vùng nguyên liệu gỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hình thành mối liên kết phát triển vùng nguyên liệu gỗ (gỗ cao su và gỗ tràm) giữa Bình Dương và các tỉnh Vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Quy hoạch diện tích đất trồng rừng mang tính tập trung, chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, sản xuất giống bằng công nghệ đem lại hiệu quả cao; từng bước đăng ký những khu rừng đạt chứng chỉ FSC, đầu tư các nhà máy chế biến gỗ nhân tạo, ván MDF...
Nguyễn Minh
Bình luận