Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ ba, 07/06/2022 11:06
TMO - Nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp ranh, ngành chức năng hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời xử lý những hành vi xâm phạm diện tích rừng trái phép tại các khu vực này.
Vùng giáp ranh giữa Gia Lai và Bình Định dài khoảng 141 km gồm 3 huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) giáp ranh với 4 huyện: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh và An Lão (tỉnh Bình Định).
Diện tích vùng giáp ranh rộng, trải dài qua nhiều địa phương có địa hình phức tạp, hiểm trở, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế. Khu vực giáp ranh giữa huyện Kbang với 2 huyện Vĩnh Thạnh, An Lão chủ yếu rừng tự nhiên, giàu trữ lượng có giá trị kinh tế cao, hệ động, thực vật phong phú có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm… Do đó, những vùng rừng giáp ranh luôn bị lâm tặc rình rập, lăm le khai thác gỗ trái phép.
Diện tích rừng giáp nhất là khu vực huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên bị lâm tặc rình rập, khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Lan Phương
Để quản lý, bảo vệ tốt vùng rừng giáp ranh, từ năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ vùng rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh. Trên cơ sở của Quy chế, Sở NN&PTNT 2 tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng vùng rừng giáp ranh cũng tổ chức ký kết Quy chế phối hợp.
Ngành chức năng 2 tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét, chốt chặn tại các điểm trọng yếu để ngăn chặn nạn phá rừng. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, nhất là các loại gỗ quý hiếm đã được hạn chế. Việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật cũng có chiều hướng giảm.
Vừa qua, tại UBND huyện Kbang (Gia Lai), Sở NN&PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã tổ chức Hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ vùng giáp ranh Bình Định - Gia Lai giai đoạn 2017 - 2022 và tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, để bảo vệ tốt diện tích rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương cùng chủ rừng của 2 tỉnh trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thông tin, phối hợp tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể cấp xã thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp. Vận dụng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ rừng; vận động nhân dân vùng giáp ranh ký cam kết bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ngành chức năng và chính quyền các địa phương có rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai cam kết sẽ tổ chức cho các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã vùng giáp ranh theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền 2 tỉnh và của các huyện trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh tăng cường phối hợp tuần tra, trao đổi thông tin nâng cao công tác bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh
Lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương cấp xã, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh thường xuyên có sự phối hợp, tổ chức kiểm tra, truy quét dọc tuyến giáp ranh theo kế hoạch phối hợp đã được ký kết. Tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra những vùng sản xuất nương rẫy để ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy; đặc biệt là tuyệt đối không cho các đối tượng trồng rừng và canh tác hoa màu trên diện tích vi phạm.
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng 2 tỉnh đã phối hợp tổ chức 302 đợt tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng đến người dân. Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng 2 tỉnh đã phát hiện 50 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gồm: 3 vụ phá rừng trái pháp luật, 22 vụ khai thác, 14 vụ tàng trữ và 11 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 5 vụ, hành chính 45 vụ, tịch thu 109,51 m3 gỗ tròn, xẻ loại, 1 xe ô tô, 1 máy cày, 3 xe độ chế, 44 xe gắn máy…; đồng thời buộc trồng lại 3.500 m2 rừng sản xuất, xử phạt với tổng số tiền là 169 triệu đồng.
Minh Tâm
Bình luận