Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ sáu, 20/05/2022 11:05
TMO - Gia Lai sở hữu hệ sinh thái rừng đa dạng, khu bảo tồn thiên nhiên, với nhiều chủng loại động vật hoang dã thuộc hàng quý hiếm. Lợi thế này đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh cần nâng cao công tác quản lý, tăng cường kiểm soát hoạt động gây nuôi, mua bán động vật hoang dã tại địa phương.
Những năm trở lại các vụ vi phạm về mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được ngành chức năng phát hiện và xử phạt. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Kiểm lâm các địa phương và Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) phát hiện, bắt giữ và xử lý theo quy định: 6 vụ tàng trữ, mua bán ĐVHD trái phép và 2 vụ quảng cáo ĐVHD trên mạng xã hội; tịch thu 55 cá thể động vật rừng quý hiếm và 371 kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 81 triệu đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 57 cơ sở gây nuôi ĐVHD, quy mô gây nuôi chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ ở hộ gia đình với các chủng loại chính như hươu sao, lợn rừng lai, nhím, dúi…Nhằm quản lý tốt hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn, ngành Kiểm lâm đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để người dân có kỹ năng nhận dạng nhanh các loài ĐVHD, biết được loài nào được phép nuôi, loài nào cấm nuôi.
Tỉnh Gia Lai tăng cường kiểm soát các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Thực hiện Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, tỉnh Gia Lai đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành liên quan để cùng phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD.
Năm 2022, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ động vật rừng, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn nhận biết một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ hiện có trên địa bàn tỉnh để cho người dân biết, thực hiện. Các đơn vị đã triển khai thực hiện bằng hình thức sử dụng máy chiếu trên màn hình về hình ảnh của các loài ĐVHD tại 4 huyện, 6 xã với trên 500 người dân tham gia buổi tuyên tuyền.
Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trong công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã
Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức ký “Cam kết không săn bắn, bẫy bắt, mua bán, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm ĐVHD trái với quy định của pháp luật” cho cộng đồng dân cư sống gần rừng, liền rừng; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện 3 không: không tiếp tay che giấu các đối tượng có hành vi xâm hại, hoạt động nuôi, kinh doanh trái phép ĐVHD; không hợp thức hóa ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp; không sử dụng, tặng hay nhận quà là các sản phẩm từ ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn bán ĐVHD tại Gia Lai trong thời gian tới, địa phương này đẩy mạnh việc phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chức năng, nhất là giữa Cảnh sát Môi trường và lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các chủ rừng, tạo sự đồng bộ, hiệu quả nhất trong triển khai các biện pháp bảo vệ ĐVHD.
Bên cạnh đó, các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài linh trưởng hiện có phân bổ trong vùng quản lý; lồng ghép các hoạt động bảo tồn với các hoạt động quản lý, bảo vệ chung của đơn vị; lập kế hoạch tổ chức, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm, loài đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ trên diện tích rừng.
Thu Mai
Bình luận