Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 24/05/2022 21:05
TMO - Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.
Theo thống kê diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang hiện có 146.435,4 ha, trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 14.093,3 ha, chiếm 9,6%; rừng phòng hộ có 18.879,9 ha, chiếm 12,9%; rừng sản xuất 113.462,2 ha, chiếm 77,5% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Rừng ở Bắc Giang có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống xói mòn, rửa trôi, ngăn lũ ống, lũ quét và có vai trò phòng hộ đầu nguồn bảo vệ vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219 ngày 17/2/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phân bố phát triển không gian rừng đến năm 2030, diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh là 139.554ha. Trong đó, rừng đặc dụng khoảng 13.510ha, rừng phòng hộ khoảng 20.628ha, rừng sản xuất khoảng 105.416ha.
Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ quản lý đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường tuần tra, truy quét, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chặt phá, lấn chiếm, khai thác rừng trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo vệ nghiêm ngặt đối với diện tích các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Bố trí cán bộ kiểm lâm có trách nhiệm, phẩm chất đạo đức tốt về phụ trách các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tình trạng lấn chiếm, đốt, phá rừng tự nhiên. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là những cán bộ kiểm lâm thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Công an tỉnh thực hiện tốt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 1676 ngày 20/4/2022 về việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Công an chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; sớm khởi tố vụ án, bị can để truy tố trước pháp luật đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phát huy tính giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất rừng của các công ty lâm nghiệp và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Phòng TN&MT các huyện, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm về lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng trái quy định và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú tới người dân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá rừng để trồng rừng kinh tế; tích cực tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Các chủ rừng là tổ chức phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên trong quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp đối với diện tích được giao, cho thuê; phải khẩn trương kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bảo đảm đủ mạnh về cả số lượng và chất lượng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhằm giúp địa phương này hướng đến thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn, phát triển kinh tế lâm nghiệp địa phương nhanh, bền vững.Tỉnh chú trọng nâng cao năng suất và hiệu quả rừng trồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 22 m3/ha/năm, đến năm 2030 đạt 25 m3/ha/năm. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt trên 10.000 ha, đến năm 2030 đạt trên 15.000 ha.
Đồng thời, đến năm 2030, tất cả các diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức ở tỉnh Bắc Giang được quản lý bền vững; giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.
Hồng Thái
Bình luận