Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 28/06/2022 11:06
TMO - Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Trong đó, tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển để tạo “lá chắn xanh”, đồng thời duy trì các mô hình sinh kế, ổn định đời sống cho người dân tại vùng đệm.
Trong năm 2021, Ninh Thuận trồng mới được trên 547 ha rừng, trong đó trồng mới hơn 505 ha rừng phòng hộ; Kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích trên 3.737 ha và giao khoán bảo vệ rừng trên 66.523 ha. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 47%.
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh đến năm 2030 để bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ.
Ninh Thuận triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Nguyễn Thành
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển với diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 6.500 ha. Tỉnh trồng mới 200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay trên đất cát, đồi núi đá ven biển kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ 1.500 ha, nâng cấp 420 ha rừng trồng phòng hộ có mật độ thấp.
Ngoài ra, tỉnh trồng thêm một triệu cây phân tán để góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, chống sa mạc hóa và sạt lở vùng ven biển; Kết hợp xây dựng các mô hình phát triển sinh kế cho người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Ninh Thuận tập trung khôi phục hệ sinh thái rừng ven biển để bảo tồn đa dạng sinh học, chống sa mạc hóa, suy thoái đất, nâng tỷ lệ che phủ rừng nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc phát triển rừng phòng hộ ven biển cũng nhằm đáp ứng các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều chính sách, dự án quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt là chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng đã có tác động rất lớn làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển các mô hình sinh kế cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có trên 198.126 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng đặc dụng trên 41.695 ha, rừng phòng hộ 116.347 ha và rừng sản xuất 40.084 ha. Để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cấp ngành, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng nhận bảo vệ đã có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển các mô hình sinh kế, dựa vào cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu (Ban quản lý) quản lý 39.364,1 ha rừng và đất rừng, nằm trên 11 xã thuộc 03 huyện Bác Ái, Thuận Bắc và Ninh Sơn. Diện tích khoán cho 28 cộng đồng/528 hộ dân bảo vệ là 14.606ha.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng nhận khoán các cộng đồng thành lập chốt trực để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào rừng; phân công tổ trực tại chốt 24 giờ/24 giờ trong ngày; tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, tham gia truy quét cùng Ban quản lý, Kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó các cộng đồng trích từ kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng để mua Bò, Dê cấp cho từng thành viên trong cộng đồng chăn nuôi. Đến nay hầu hết các thành viên trong cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đều có Bò, Dê. Mô hình khoán bảo vệ rừng kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng đã phát huy hiệu quả vừa bảo vệ được tài nguyên rừng vừa phát triển chăn nuôi tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo báo cáo của Ban quản lý rừng Phòng hộ ven biển Thuận Nam, đơn vị hiện quản lý, bảo vệ và sử dụng 15.908 ha rừng trên địa bàn 5 xã ven biển thuộc huyện Thuận Nam. Giai đoạn 2016- 2021, đơn vị tổ chức 66 đợt tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, thu hút 1.016 lượt người tham gia.
Đơn vị giao 11.380 lượt ha rừng cho 77 hộ dân thuộc 4 nhóm cộng đồng nhận bảo vệ gắn với sinh kế gia đình theo mô hình nông lâm kết hợp. Giao khoán quản cho các đơn vị vũ trang nhận bảo vệ 11.867 lượt ha rừng tại các vùng giáp ranh. Đồng thời cấp phát 235.000 cây trồng phân tán ở các khu dân cư như xà cừ, phi lao, thanh thất.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp với các địa phương thực hiện giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng đánh giá các mô hình trồng rừng hiệu quả, mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình sinh kế bền vững để tập trung xây dựng và nhận rộng mô hình sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ rừng để đảm bảo tính bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đức Huy
Bình luận