Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/07/2025 12:07
Thứ sáu, 18/07/2025 14:07
TMO - Với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong những năm gần đây Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) đã triển khai nhiều giải nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn (Khu bảo tồn) được giao quản lý bảo vệ 24.720 ha rừng và đất lâm nghiệp, là một trong những Khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh thái cao, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng và duy trì sự đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen.
Khu bảo tồn này được phân thành ba khu chức năng rõ rệt: khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 19.000 ha, khu phục hồi sinh thái trên 5.100 ha và khu hành chính - dịch vụ khoảng 500 ha. Việc phân định này giúp giữ gìn vùng lõi đa dạng sinh học, đồng thời tạo không gian cho các hoạt động nghiên cứu, phục hồi và du lịch sinh thái có kiểm soát.
Theo kết quả khảo sát, Khu bảo tồn hiện có 1.487 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 747 chi và 179 họ. Đặc biệt, ngành mộc lan, nhóm thực vật có hoa cổ xưa chiếm tới hơn 1.300 loài, phản ánh sự lâu đời và độc đáo của hệ sinh thái rừng đặc dụng. Nhiều loài cây quý hiếm như pơ-mu, nghiến, gù hương, hoàng liên chân gà, lan kim tuyến được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Riêng cây bách tán Đài Loan - loài cây di sản có nguy cơ tuyệt chủng hiện còn hơn 100 cá thể, chỉ có tại Khu Bảo tồn này.
Hệ động vật được ghi nhận với 486 loài thuộc 89 họ, trong đó có 60 loài thú, 310 loài chim, cùng nhiều loài bò sát, lưỡng cư quý hiếm như vượn đen tuyền, cá cóc Tam Đảo, cầy vằn bắc, chim trèo cây lưng đen... Khu bảo tồn cũng được công nhận là 1 trong 63 vùng chim quan trọng nhất tại Việt Nam.
Đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn là nguồn tài nguyên để tỉnh Lào Cai đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong những năm qua, Khu bảo tồn đã triển khai, áp dụng nhiều giải nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và bảo tồn đa dạng sinh học như: lập các chốt bảo vệ rừng; ký hợp đồng lao động, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, người dân địa phương; đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại.
Hằng năm, Khu bảo tồn đã giao khoán bảo vệ rừng cho 13 cộng đồng thôn với số tiền chi trả cho mỗi cộng tồng từ 250 - 400 triệu đồng, đây là nguồn thu lớn để phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn cho cộng đồng địa phương, thông qua giao khoán nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng địa phương, từ đó đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển rừng bền vững.
Ngay từ đầu năm, Khu bảo tồn đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường và đổi mới hình thức, đối tượng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động tuyên truyền bao gồm: tổ chức hội nghị trực tiếp; phát tờ rơi, pano, apic; sử dụng các phương tiện truyền thông địa phương, tuyên truyền lưu động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật về lâm nghiệp; hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh và người dân…
Thời gian qua, Khu bảo tồn đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý bảo vệ rừng như sử dụng thiết bị bay Flycam, phần mềm vTools, Hotspot LCA... vào công tác quản lý bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện cháy rừng, các hành vi xâm hại rừng. Các công nghệ này giúp giám sát rừng một cách hiệu quả, phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng, khai thác trái phép và các hành vi xâm phạm khác, việc sử dụng ảnh Flycam giúp công tác cập nhật theo dõi diễn biến rừng được thuận lợi và chính xác hơn rất nhiều và còn rất nhiều tiện ích khác như: giám sát việc tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng bảo vệ rừng, khoanh vẽ, xác định vị trí của lô rừng được chính xác hơn…
Ngoài ra, việc khuyến khích phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng, tạo nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương và tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường; các chương trình dự án phát triển sinh kế cho cộng đồng như trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng...cũng được đẩy mạnh triển khai. Trong tháng 5/2025, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn.
Qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, chuyên nghiệp, có thương hiệu. Bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và tạo ra các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đa dạng, mang đặc trưng riêng của khu bảo tồn.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng trong đó có nhiệm vụ PCCCR được đẩy mạnh triển khai tại Khu bảo tồn (Ảnh: BLC).
Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Khu bảo tồn đã chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu triển khai nhiều đề tài chuyên sâu. Trong năm 2023 - 2024, đơn vị cùng Viện Dược liệu triển khai đề tài điều tra, bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu tại vùng núi cao Tây Bắc. Kết quả ghi nhận 146 loài cây thuốc, trong đó có 17 loài quý hiếm và 8 loài, 1 thứ được bổ sung mới cho hệ thực vật Việt Nam.
Ngoài ra, Khu bảo tồn cũng hợp tác với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổ chức điều tra rừng ẩm nhiệt đới, phát hiện thêm nhiều loài thuộc họ dẻ, họ thu hải đường... Hợp tác cùng Viện Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) triển khai bẫy ảnh ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm như gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng, cầy vằn.../.
Hồng Thắm
Bình luận