Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ năm, 14/04/2022 20:04
TMO - Thời gian qua, xuất khẩu cá ngừ tại các thị trường chủ lực như Mỹ và Châu Âu tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp tục đà tăng trưởng trên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để ngành hàng này có thể tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các Hiệp định thương mại tự do được đánh giá là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ tại Việt Nam. Việc khai thác hiệu quả ưu thế cạnh tranh về thuế khi tiếp cận các thị trường châu Âu và khối châu Á Thái Bình Dương, thông qua các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi tăng vọt 108% đạt 88 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang tháng 2 vừa qua tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao 57%, đạt 67 triệu USD. Bước sang tháng 3, xuất khẩu cá ngừ tiếp nối sự ổn định của 2 tháng đầu năm, giúp cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong quý 1/2022 đạt hơn 230 triệu USD, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý 1/2022, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 99% với kim ngạch 80 triệu USD, các thị trường có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 52%, Chile tăng 99%..., khối EVFTA như Hà Lan tăng mạnh 114%, Bỉ tăng 163%.
Ưu đãi thuế quan từ các thị trường có hiệp định thương mại tự do là cơ hội để ngành hàng cá ngừ gia tăng thị phần xuất khẩu
Ngoài ra, xuất khẩu sang phần lớn các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện đang là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, Hà Lan từ vị trí thứ 4 đã vươn lên là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Cùng với việc tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần khai thác thị trường nội địa trong tiêu thụ ngành hàng này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với xu thế hội nhập và nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng cao, tiêu dùng nội địa trở thành thị trường quan trọng để ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ có thêm nhiều động lực phát triển.
Việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng nội địa sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến cá ngừ hoàn thiện hơn chất lượng xuất khẩu
Với công nghệ chế biến cá ngừ của các doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, sản phẩm cá ngừ Việt Nam vẫn được người tiêu dùng đánh giá nổi trội hơn nhiều quốc gia khác. Do đó, đáp ứng nhu cầu khách hàng nội địa cũng là một giải pháp để thu hút khách hàng thế giới tăng sự lựa chọn hơn đối với cá ngừ Việt Nam.
Cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên. Cùng với đó, để kích cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng thủy sản; trong đó có cá ngừ đại dương, các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề đa dạng sản phẩm, chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý.
Thu Trang
Bình luận