Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ sáu, 04/10/2024 14:10
TMO - Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm văn hóa, sinh thái.
Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025 thời gian gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã từng bước hình thành nhiều mô hình du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng 6 bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh; hỗ trợ 31 hộ làm homestay kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản và hỗ trợ các homestay vay vốn lãi suất thấp.
Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều biển quảng bá và biển chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm cộng đồng, điểm dịch vụ nghỉ homestay. Đồng thời, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc các tuyến đường vào nhà văn hóa, dọc trục đường nội bản; trồng hoa, cây xanh; hỗ trợ hệ thống thu gom rác, hệ thống biển chỉ dẫn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc rà soát, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch nông thôn. Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025, đề ra mục tiêu đến năm 2025, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá.
Tỉnh Sơn La triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Sốp Cộp đã và đang tích cực đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.
Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch phù hợp, nhằm phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng lợi thế của huyện. Đặc biệt, xây dựng mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, chuyên nghiệp, thu hút khách du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Bản Mường Và thuộc vùng núi thấp của huyện Sốp Cộp, có độ cao trung bình từ 750 - 950m. Đằng sau bản là dãy núi Pu Hong Lớk chạy dài. Vùng đồi thấp của bản có thể canh tác cây ăn quả, cây nông nghiệp và chăn thả gia súc, gia cầm. Tài nguyên rừng khá phong phú, với độ che phủ khoảng 42%. Đây là nguồn cung cấp nông sản địa phương cho khách du lịch, đặc biệt là đặc sản gạo nếp tan Mường Và được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2019.
Ngoài ra, cánh đồng Tông Na Coỏng Mương và dòng suối Nậm Ca bao quanh bản, tạo hệ thống ao, hồ, đầm thích hợp với phát triển mô hình du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Với những tiềm năng, lợi thế này phù hợp với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp và trải nghiệm làm nương rẫy, du lịch cắm trại nghỉ dưỡng...
Mộc Châu hiện là huyện trồng mận hậu lớn nhất của cả nước, với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha. Ngoài thung lũng Nà Ka, du khách còn có thể đến các địa điểm khác, như: Bản Pa Phách, tiểu khu Pa Khen, khu vực Nông trường, đường vào Ngũ động Bản Ôn hay thung lũng mận Mu Náu... là những địa điểm lý tưởng và được nhiều du khách lựa chọn để thưởng thức trái ngon ngay tại vườn, chụp ảnh check-in, tự tay chọn lựa từng trái mận đem về làm quà sau chuyến đi.
Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu được duy trì tổ chức hằng năm. Đến nay, sau 7 lần tổ chức, ngày hội đã trở thành sự kiện văn hóa - du lịch thường niên, là “thương hiệu” du lịch nông nghiệp đặc trưng của huyện Mộc Châu. Qua ngày hội, thương hiệu mận hậu Mộc Châu ngày càng được khẳng định; tạo được niềm tin, sự phấn khởi, tự hào của người trồng mận, góp phần quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.
Nhiều du khách cho biết: Đến Mộc Châu cùng với việc tham quan những danh lam, thắng cảnh đẹp, du khách còn lựa chọn loại hình du lịch nông nghiệp để hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân. Không khí ở đây rất trong lành mát mẻ, du khách đã được nghe thêm những câu chuyện về nguồn gốc, quá trình gắn bó của người dân nơi đây với cây mận hậu và được thưởng thức sản phẩm mận hậu sạch và một số món ăn dân tộc rất ngon và lạ miệng.
Khai thác lợi thế này, các chủ vườn mận ở thung lũng Nà Ka mở cửa đón khách thăm quan, trải nghiệm vào mùa hoa mận nở và mùa thu quả, với giá vé vào cửa tham quan giao động từ 30.000 – 40.000 đồng/khách, trẻ em miễn phí vé tham quan. Phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngoài việc mở cửa đón khách thăm quan, trải nghiệm, gia đình còn cung cấp dịch vụ cắm trại ngay tại vườn mận, gồm địa điểm, điện, nước; còn các du khách sẽ tự chuẩn bị lều trại theo ý thích để cắm tại vườn.
Huyện Mộc Châu là một trong những địa phương khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên trong phát triển du lịch trên địa bàn.
Cùng với cây mận hậu, những đồi chè xanh ngát cũng là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn. Mộc Châu hiện có hơn 2.100 ha chè xanh ngát, cùng với việc khai thác búp chè, chính quyền và doanh nghiệp chè ở Mộc Châu quan tâm kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè. Du lịch trải nghiệm nông nghiệp là một sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và là thế mạnh của Mộc Châu.
Phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp đi khắp nơi. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, qua đó giúp người dân có doanh thu kép từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại huyện Mai Sơn nổi tiếng với dâu tây Cò Nòi với vùng chuyên canh dâu tây hàng trăm hecta được trồng mỗi năm, là địa điểm hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm hái quả. Các trang trại tổng hợp, vườn nho, vườn cam, sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp dịch vụ tham quan, ăn uống đang được hình thành và phát triển, giúp hỗ trợ nông nghiệp tại Mai Sơn thêm lực phát triển.
Đến Bắc Yên, ngoài săn mây Tà Xùa, trải nghiệm Sống lưng khủng long, du khách còn được trải nghiệm khung cảnh ngoạn mục của Xím Vàng mùa lúa chín với hơn 300ha ruộng bậc thang, hay thăm quần thể cây di sản với hơn 200 cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, còn có vùng trồng xoài ở Yên Châu, vùng trồng nhãn Sông Mã, vùng lúa ở cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên, nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La...
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp thế mạnh đã cho thấy hiệu quả bền vững. Đặc biệt là nông nghiệp xanh với các phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP càng là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Từ đó hình thành nên các sản phẩm du lịch sinh thái - trải nghiệm, thân thiện và bảo vệ môi trường, giúp du lịch Sơn La phát triển theo đúng định hướng “xanh và bền vững”.
Hồng Thắm
Bình luận