Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 25/04/2025 22:04
Thứ sáu, 25/04/2025 12:04
TMO - Khai thác lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo động lực phát triển sản xuất cho nhiều hợp tác xã trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Sơn La đã xây dựng, ban hành đề án và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP; các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án chung của tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP.
Sau 5 năm triển khai Chương trình, toàn tỉnh có 204 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm 05 sao (sản phẩm cấp quốc gia), 62 sản phẩm 04 sao (sản phẩm cấp tỉnh) và 141 sản phẩm 03 sao (sản phẩm cấp huyện). Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Cũng thông qua chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Ở các địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh lớn. Nhiều HTX đã tham gia các trang thương mại điện tử để xúc tiến thương mại; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX đã, đang được phân phối rộng rãi tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trên cả nước...
Các HTX đẩy mạnh sản xuất, phát huy lợi thế nông nghiệp của địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP.
Triển khai Chương trình OCOP, huyện Mường La tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, chủ lực có giá trị kinh tế cao. Năm 2024, huyện Mường La có 6.547 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 25.000 tấn quả tươi; 2.500 ha cây sơn tra, sản lượng quả đạt 8.000 tấn; trên 11.240 ha cây lương thực có hạt; hơn 4.440 ha sắn; 53 ha cây thảo quả, sa nhân, sả java, quế; gần 780 ha rau màu các loại...
Phát huy lợi thế từng địa phương, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế, định hướng các hộ nông dân, HTX nông nghiệp chủ động tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu; chuyển đổi số; đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc và xây dựng Website giới thiệu sản phẩm; in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm.
Tại huyện Sông Mã, đến hết năm 2024 toàn huyện có 7 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn và liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, bước đầu khẳng định thương hiệu, như: Xoài sấy dẻo của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng; mật ong Quyết Thắng của HTX nuôi ong mật Sông Mã; thịt trâu hun khói của hộ kinh doanh Lê Đức Anh; gạo nếp tan Lương, HTX Toàn Phát.
Cũng trên địa bàn huyện, nhiều hộ dân của các xã: Chiềng Khoong, Chiềng Khương, Nà Nghịu... liên kết phát triển nghề nuôi ong bền vững, năm 2019 thành lập HTX nuôi ong mật Sông Mã. HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi ong; quan tâm phát triển chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
Năm 2023, sản phẩm mật ong Quyết Thắng của HTX được công nhận sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện và được đánh giá xếp hạng 3 sao. HTX hiện có hơn 5.300 đàn ong, chủ yếu là giống ong ngoại Ý. Được công nhận sản phẩm OCOP, HTX tham gia trưng bày giới thiệu quảng bá tại các chương trình của huyện, của tỉnh; đưa sản phẩm mật ong lên sàn thương mại điện tử, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao htu nhập.
HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) có 8 thành viên, quy mô sản xuất 20 ha nhãn. HTX đầu tư hệ thống tưới nước vảy gốc; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hằng năm, sản lượng đạt 75 tấn nhãn chín sớm, giá bán 40 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ sản lượng 200 tấn, giá bán 10-20 nghìn đồng/kg; thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 1 số hộ dân trồng và thu mua hoa đu đủ để sấy khô, với sản lượng hơn 30 tấn hoa tươi/năm.
Quá trình chế biến long nhãn, hoa đủ đủ, chúng tôi áp dụng công nghệ lò sấy hơi ép nhiệt kín, bảo đảm chất lượng sản phẩm từ hương vị, màu sắc, rút ngắn thời gian sấy long nhãn, hoa đu đủ. Năm 2024, HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP sản phẩm long nhãn sấy khô và trà hoa đu đủ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Sản phẩm OCOP tại các địa phương được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ. (Ảnh: LS).
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Yên Châu đã khai thác được những tiềm năng về đất đai, sản vật; phát huy lợi thế trong phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm đặc sản được tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn. Tại các xã, bản, nhiều mô hình kinh tế chủ động mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống cho lao động nông thôn.
Cây mận hậu gắn bó với với người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu từ những năm 1990 và đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hiện tại là hơn 2.000ha, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường xuất khẩu, HTX nông sản bản địa Noọng Piêu đã xây dựng thành công 30,5ha mận hậu được cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất 150ha. Người dân liên kết với HTX được tập huấn cách trồng mận hữu cơ, mận trái vụ để áp dụng vào vườn nhà, nâng cao giá trị quả mận, được hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, thu nhập trung bình của các thành viên trong HTX vào khoảng 600-700 triệu đồng/ha...
Năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh: Nâng cao hiệu quả và giá trị các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương.
Đồng thời, định hướng các chủ thể OCOP tạo sự khác biệt, tăng giá trị cho sản phẩm, đa dạng kích cỡ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; đảm bảo vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc; duy trì, chủ động cập nhật các nội dung quy định hằng năm, như: Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mã vạch, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm...
Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, cải thiện thu nhập cho người dân, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.../.
Thu Anh
Bình luận