Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 22:11
Thứ bảy, 21/09/2024 06:09
TMO - Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm quản lý, khai thác, bảo vệ hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có, để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo số liệu của Đề án Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản khu vực biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1:100.000 do Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) thực hiện cho thấy, nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng vùng biển ven bờ của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn, trong đó, trữ lượng khoáng sản cát có thể làm vật liệu xây dựng và san lấp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khoảng 13,9 tỷ m3.
Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng có địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nên cát lòng sông thuộc khu vực tỉnh có chất lượng xấu, khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm có tính chất kỹ thuật cao. Do đó, để có nguồn cát đáp ứng nhu cầu thi công các công trình, dự án, các sở ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp với chủ đầu tư tiến hành khảo sát các mỏ cát nằm trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh để phân tích, đánh giá, xác định chất lượng phục vụ dự án thành phần trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Luật Quy hoạch, Sóc Trăng đã rà soát xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh và lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023, trong đó có 6 khu mỏ với tổng diện tích trên 1.503ha, trữ lượng cấp tài nguyên 333 là 33.443.166m3.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản nhất là cát trên địa bàn.
Bộ TN&MT triển khai thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” để đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu và các khu - cụm công nghiệp.
Đến nay, Dự án đã có kết quả bước đầu là đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333, cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.
Bộ TN&MT cũng đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT cũng đã trình UBND tỉnh Sóc Trăng xác nhận 2 mỏ cát biển cho nhà thầu thi công thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với khối lượng gần 5,5 triệu m3 và 1 mỏ cát cho Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Dự án cầu Đại Ngãi 2 với khối lượng 2 triệu m3.
Để đảm bảo nguồn cát phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm, tỉnh Sóc Trăng cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng lập các thủ tục theo quy định để tổ chức khai thác cát tại một số khu vực theo quy hoạch của tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đối với các mỏ cát nằm trong quy hoạch khai thác của tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông báo rộng rãi đến các tỉnh, thành trong khu vực hướng dẫn nhà thầu thi công thực hiện lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để xem xét cấp phép khai thác.
Theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có 8 đơn vị đăng ký được cấp phép trên 10 mỏ (mỏ cát biển khu B.1 gồm: B1.1, B1.2, B1.3) với diện tích trên 600ha, tổng sản lượng các mỏ trên 22 triệu m3. Từ khi khởi công (ngày 29/6/2024) đến nay đã khai thác đưa cát về công trình trên 136.853m3, cơ bản giải quyết phần nào khó khăn nguồn cát san lấp thời gian qua.
Nguồn cát trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được khai thác để phục vụ dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: HH.
Để bảo đảm khai thác cát, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ được cấp phép, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân đối với việc thực hiện chủ trương của Nhà nước. Đồng thời chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép cho các đơn vị thi công khai thác, với quan điểm phát triển bền vững, không vì phát triển ở vùng này mà làm ảnh hưởng đến tính ổn định và sự phát triển của vùng khác.
Tỉnh thành lập Tổ cơ động kiểm tra giám sát 24/24 tại khu vực biển Sóc Trăng do Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm trách; Tổ tăng cường tuần tra kiểm soát các tuyến sông, đường thủy nội địa do Công an tỉnh tổ chức thực hiện. Các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản; vi phạm pháp luật giao thông đường thủy khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy; giám sát việc tổ chức quản lý, điều hành khai thác, phân phối của nhà thầu, đơn vị khai thác
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với các sở, ngành, nhà thầu, đơn vị tư vấn để tháo gỡ, nghiên cứu sử dụng công nghệ khai thác cát sông phù hợp, tăng độ sâu khai thác nhằm đảm bảo nguồn cát phục vụ dự án; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá tác động đến lòng, bờ, bãi sông trước khi tiến hành khai thác.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương liên quan đến lĩnh vực khoáng sản; siết chặt công tác thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản; lập quy hoạch, điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản trên các tuyến sông, kênh rạch, khu vực biển.
Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; quy định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương giáp ranh; góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên các lưu vực sông, kênh rạch, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thoát khoáng sản và sạt lở bờ sông.../.
Lan Hương
Bình luận