Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 19/08/2023 07:08
TMO - Tại các huyện miền núi Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei của tỉnh Kon Tum, trồng cây dược liệu trong đó có sâm Ngọc Linh đã góp phần ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 1.240 ha sâm, số lượng này tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông với hơn 1.190 ha, còn lại ở huyện Đăk Glei. Tại huyện Tu Mơ Rông người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được gần 3.000ha cây dược liệu, trong đó có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.
UBND huyện Tu Mơ Rông, từ cây dược liệu, năm 2022 nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,74%, cao hơn gấp đôi mục tiêu đề ra của tỉnh Kon Tum. Huyện đang nỗ lực để kinh tế dược liệu mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống của người Xơ Đăng vốn chiếm trên 95% dân số của huyện.
Huyện đang đẩy mạnh mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh để người dân trực tiếp được hưởng lợi từ cây dược liệu quý. Huyện tăng cường quản lý tốt hơn nguồn giống để đảm bảo cây sâm Ngọc Linh giữ được thương hiệu, từ đó phát triển ra thị trường nhằm nâng cao đời sống của người dân trong thời gian tới.
Cây dược liệu trong đó có sâm Ngọc Linh được đẩy mạnh sản xuất tại các huyện miền núi, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.
Tại huyện Đăk Glei, những năm gần đây, việc phát triển sâm Ngọc Linh được người dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho người dân, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích sâm Ngọc Linh toàn huyện đạt 34,77 ha, tăng 29,47 ha so với năm 2020 (5,3 ha). Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương, trên địa bàn huyện Đắk Glei đã hình thành được nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Các hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ với các thành viên, hộ gia đình để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các hợp tác xã, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Đăk GLei chủ yếu là của các nhóm hộ gia đình tự đầu tư phát triển với diện tích manh mún. Do đó, cần phải có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Xác định đây là sản phẩm có thể đổi đời cho người dân, UBND tỉnh Kon Tum đã rất kịp thời đưa sản phẩm trở thành sản phẩm chủ lực của người dân. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đã ban hành đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Kon Tum thực hiện chính sách hỗ trợ cây sâm giống cho người dân.
Đặc biệt, việc Chương trình Sâm Việt Nam được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2023 đã mở ra cơ hội rất lớn cho các tỉnh có đầu tư phát triển cây sâm Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Chương trình đã đề ra cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển cây Sâm Ngọc Linh Theo chương trình tỉnh Kon Tum sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ chính: Tăng cường công tác thông tin truyền thông; Bảo tồn gắn với phát triển vùng trồng Sâm Ngọc Linh; Nghiên cứu khoa học và quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh.
Thúc đẩy chế biến, các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; Tập trung nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh; Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng trồng Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi; Rà soát đất đai cho vùng chuyên canh cây Sâm Ngọc Linh và cuối cùng là Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc đầu tư phát triển, chế biến Sâm Ngọc Linh.
Là loại dược loại quý hiếm và giá trị cao nên nhiều năm qua, sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị giả mạo thương hiệu rất lớn. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh. Theo đó, sâm củ Ngọc Linh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 18/6/2016. Theo Quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Dương Mai
Bình luận