Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ sáu, 26/05/2023 08:05
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho biết, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Sản xuất nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, nông sản thực phẩm chất lượng không cao, còn tồn dư hóa chất vượt mức cho phép. Để khắc phục những vấn đề này, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện và ngày càng phát triển, khởi đầu là mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) được áp dụng phổ biến từ những năm 1980.
Tại Bắc Ninh tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mang lại hiệu quả cao như: Công nghệ khí sinh học; công nghệ vi sinh; công nghệ sử dụng côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi; công nghệ ủ nhiệt sinh học.
Một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai dự án trồng nấm công nghệ cao dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Hàn Quốc được vận hành tự động ở tất cả các khâu và khép kín. Nguyên liệu sản xuất nấm hoàn toàn hữu cơ, gồm mùn cưa, lõi ngô và thành phần tinh bột như cám gạo, cám ngô, khô đỗ tương, yến mạch (chiếm 20-25%).
Giá thể trồng nấm sau khi đã thu hoạch được tái sử dụng, trở thành nguồn nguyên liệu tiếp tục phục vụ việc trồng cây tía tô, qua đây tạo ra chuỗi sản phẩm nấm - lá tía tô và phân hữu cơ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế thân thiện với môi trường. Việc ủ giá thể trồng nấm thành phân hữu cơ không những làm giảm ô nhiễm môi trường mà con tạo ra phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng. Đây là mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Bắc Ninh.
Ngành nông nghiệp Bắc Ninh đang đẩy mạnh áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện, điển hình như: mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trong các trang trại; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể Biogas để lấy khí đốt và phân bón hữu cơ, mô hình thu gom phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất…
Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết, đến đầu năm 2023 tỉnh đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích. 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín với 46 trang trại chăn nuôi lợn, 19 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6 trang trại chăn nuôi thỏ, 1 trang trại chăn nuôi bồ câu; trong đó 03 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 06 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 01 doanh nghiệp sản xuất trồng trọt và 05 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi được chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, toàn tỉnh Bắc Ninh có 80% số hộ nuôi trồng thuỷ sản với 1.875 ha ao, hồ nuôi cá thâm canh có sử dụng máy quạt nước, hệ thống sục khí tạo ô xy và chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước nuôi, năng suất cá đạt 8-12 tấn/ha/vụ; 2.485 lồng nuôi cá trên sông; 153 cơ sở nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình kinh tế tuần hoàn đang được đẩy mạnh áp dụng triển khai nhất là đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. Các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển nên chưa phát huy hết tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường do các phụ phẩm nông nghiệp gây ra diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế; ruộng đất manh mún, khó tích tụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; đặc biệt là còn thiếu các căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý hiệu quả chất thải đang được đẩy mạnh triển khai tại nhiều địa phương.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, vấn đề môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi tạo ra áp lực rất lớn cho ngành chăn nuôi. Trong giai đoạn 2018-2021 ước tính có khoảng 61 triệu tấn chất thải rắn trong chăn nuôi và 304 triệu tấn chất thải lỏng, trong đó nguồn phát thải lỏng từ lợn chiếm tới 84%. Đáng chú ý, chăn nuôi tại nông hộ mới chỉ có 72% hộ xử lý chất thải, còn 28% vẫn xả thẳng ra môi trường. Đối với chăn nuôi trang trại, có 95% trang trại xử lý chất thải chăn nuôi, còn 5% xả thải ra môi trường Cùng với đó, gần 50% phụ phẩm trồng trọt được xử lý bằng cách đốt trên đồng ruộng.
Hiện nay có 4 công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi, đó là: công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân và công nghệ vi sinh. Việc áp dụng các biện pháp xử lý môi trường này không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản mà còn giúp tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm nhập khẩu phân vô cơ, giúp chúng ta phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ thân thiện với môi trường.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xử lý, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp. Lượng phụ phẩm cây trồng chính được thu gom, xử lý, sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đệm lót sinh hoc trong chăn nuôi, ủ phân hữu cơ đạt 100%. Giá trị sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại ứng dụng chuỗi giá trị chăn nuôi 4F (Feed-Farm-Food-Fertilizer: thức ăn-trang trại-thực phẩm-phân bón) hoặc chăn nuôi tuần hoàn tính trên tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi đạt 30%.
Để đạt được mục tiêu trên các cấp, ngành cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi; xây dựng cơ sở dự liệu về phụ phẩm toàn ngành nông, lâm, thủy sản từ cơ sở dữ liệu thành phần của ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản để phục vụ quản lý; đẩy mạnh đào tạo phát triển nhân lực…
Thu Minh
Bình luận