Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ năm, 02/11/2023 14:11
TMO - Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thái Bình đã có 112 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, trong đó có 48 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao, 64 sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh khá đa dạng từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bước đầu có những sản phẩm chế biến sâu theo định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị và ổn định về nguồn lực cho kinh tế nông thôn, bảo đảm sản xuất bền vững, an toàn, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.
Từ thực hiện Chương trình OCOP giúp chuỗi liên kết giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín ở các khâu: nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu như: VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học. Đáng chú ý, giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20%-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Ảnh: BTB.
Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, sau 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Thái Thụy có 33 sản phẩm OCOP xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 có 1 tổ hợp sản xuất và 74 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Thái Thụy đang tích cực khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; tiếp tục thực hiện cơ chế đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho phát triển, thực hiện chuẩn hóa sản phẩm OCOP cho đến hết năm 2025. Theo đó, khi sản phẩm được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đối với chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/chủ thể; với chủ thể là cá nhân sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng/chủ thể. Từ đó góp phần thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo các chủ thể, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Huyện Quỳnh Phụ hiện có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao). Đây là những sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương. UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: OCOP là một trong những chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Thời gian qua, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho các HTX, hộ kinh doanh tích tụ ruộng đất, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn, quảng bá sản phẩm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ triển lãm, gian hàng trưng bày sản phẩm. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP thường tăng từ 10 - 15% so với trước đây. Với khó khăn về quản lý đất đai, huyện sẽ báo cáo cấp trên để có hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX, hộ kinh doanh trong việc phát triển sản xuất sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Những năm gần đây, Chương trình OCOP được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Tiền Hải triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút nhiều cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP là giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động địa phương. Xác định chương trình OCOP là một trong những giải pháp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, năm 2023 huyện Tiền Hải có 22 sản phẩm của 18 xã đăng ký phát triển sản phẩm OCOP, góp phần đưa giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm đạt hơn 17.500 tỷ đồng, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 2,58%.
Xác định hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, những năm qua, Thái Bình đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Trong đó, việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ và các sự kiện lớn như: hội chợ OCOP toàn quốc, hội chợ đặc sản vùng miền…
Cùng với đó, thương mại điện tử đã trở thành một kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Các sản phẩm OCOP của Thái Bình cũng đang tiếp cận và khẳng định đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là nhiệm vụ hàng đầu để mở rộng thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chi phí để lập fanpage, website, chạy quảng cáo trên các mạng xã hội, thuê đơn vị quảng cáo, làm hình ảnh…
Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Theo nhiều chủ thể sản phẩm OCOP, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP mang tính chuyên nghiệp, bền vững cần có điểm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm, đặc biệt, phải có bộ nhận diện thương hiệu cửa hàng OCOP. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, số lượng điểm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP chưa nhiều.
Cuối tháng 9/2023, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh do HTX quản lý nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Điểm trưng bày, bán một số sản phẩm OCOP của tỉnh được chứng nhận 3 sao, 4 sao như: gạo làng Giành, trứng vịt biển Đông Xuyên, vịt biển Đông Xuyên, tỏi đen Trường An, bánh đa Quỳnh Côi…
Ngoài ra, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP xã An Ninh còn giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP và một số nông sản, đặc sản của các địa phương khác. Đây là nhịp cầu kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, vừa tạo tính liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đồng thời là điểm tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc sản có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao với giá thành hợp lý.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Để khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới phối hợp với các địa phương khảo sát những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể xây dựng hoàn thiện bao bì, nhãn mác, các thủ tục liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP…
Hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân. Các gian hàng trưng bày tại các khu, điểm du lịch được nhiều du khách quan tâm; du khách đã có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm có mẫu mã đẹp; sản phẩm OCOP đã giải bài toán về quà tặng du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, làm phong phú thêm chương trình du lịch, góp phần tích cực vào công tác phát triển du lịch của tỉnh.
Tỉnh Thái Bình khuyến khích phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng; phát triển và quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống cùng người dân địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng vùng, từng nghề truyền thống; đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống gắn với các tour du lịch cộng đồng theo chuyên đề.
Thu Hòa
Bình luận