Hotline: 0941068156
Thứ ba, 03/12/2024 23:12
Thứ bảy, 03/08/2024 11:08
TMO - Thời gian qua, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã.
Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế trong nông nghiệp phục vụ phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, nhất là đối với khách du lịch.
Đến nay, toàn tỉnh có 152 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận, trong đó, có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò Vàng, cam Sành, gạo tẻ Già Dui, Hồng không hạt, cá Bỗng, Thảo quả. Các sản phẩm này đã được xây dựng bộ công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, khai thác và xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ đó, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới.
Các sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng, tiêu thụ rộng rãi. Ảnh: TP.
Là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến nay huyện Quản Bạ đã có tổng số 28 sản phẩm OCOP đạt sao cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao; chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, dược liệu, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ du lịch như: Hồng không hạt, Thảo quả, rượu ngô men lá Thanh Vân, bò vàng, cao Astiso, cao Hà thủ ô, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm…
Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện được gắn liền với việc phát triển các sản phẩm du lịch. Nhờ đó, trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Quản Bạ đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên vùng Cao nguyên đá. Bên cạnh đó, ngành Du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của huyện. Giúp thu nhập của người dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm không ngừng được nâng lên.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng thương hiệu, nâng cấp sản phẩm truyền thống địa phương, huyện Yên Minh đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đưa sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu. Huyện Yên Minh hiện có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, thuộc 4 ngành hàng gồm: Nhóm thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; thực phẩm thô, sơ chế và chè.
Tập trung triển khai Chương trình OCOP với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy hiệu quả nguồn lực của địa phương, huyện tích cực hỗ trợ người dân, chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ các loại cây, con thế mạnh gắn với phục vụ du lịch. Các sản phẩm OCOP huyện Yên Minh đã và đang từng bước khẳng định được chất lượng với các thương hiệu tiêu biểu như: Chè Shan tuyết Cổng Thành, Giò lợn bản Lũng Hồ, Mật ong Bạc hà Ngọc Tuyên… Từ những giá trị đem lại, năm 2024, huyện phấn đấu phát triển mới 8 sản phẩm, phân hạng lại 3 sản phẩm OCOP.
Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn.
Triển khai chương trình OCOP từ cuối năm 2018 đến nay, huyện Đồng Văn đã xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của miền đá như mật ong, ớt gió, vải lanh… Đến nay, huyện Đồng Văn rà soát và đưa vào chương trình các sản phẩm chủ lực, thế mạnh như: Mật ong hoa Bạc hà, sản phẩm từ hạt Tam giác mạch, quả lê, ớt gió, vải lanh, đậu xị, chè Shan tuyết Lũng Phìn, gạo Khẩu Mang; thịt bò, thịt lợn đen, thịt gà đen và 1 sản phẩm du lịch cộng đồng. Huyện đã có 21 sản phẩm, lượt sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao.
Những năm qua, huyện Đồng Văn đã bố trí kinh phí hỗ trợ, hoàn thiện bao bì, nhãn mác đối với sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: Gắn logo OCOP và thứ hạng sao; gắn logo đối tác Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; duy trì mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; tích cực, chủ động tham gia phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại. Sản phẩm OCOP đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng doanh thu.
Doanh thu từ các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện năm 2019 đạt 1,3 tỷ đồng, đến năm 2023 đạt 7,1 tỷ đồng. Không những vậy, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.
Xác định OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Do đó, tỉnh Hà Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng hạng sao OCOP như: Tập trung phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Vận động chủ thể sản phẩm OCOP nâng cấp thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại để tập trung nâng cao chất lượng, thứ hạng sao cho những sản phẩm mới và sản phẩm đã được cấp giấy nhận đạt sao OCOP trước đó.
Đồng thời, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp xã trong triển khai chương trình OCOP. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện, định hướng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.
Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình OCOP; 10% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Hoàng Nam
Bình luận