Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 05/02/2022 08:02
TMO - Rú Chá - khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Đây được xem như “bức bình phong” án ngữ, che chắn cho đất liền khỏi thiên tai và là địa điểm thu hút du khách bởi sự quý hiếm cùng nét hoang sơ và thơ mộng.
Khu rừng này ban đầu có diện tích gần 3,9ha, chủ yếu là cây chá gốc to lớn, bám chặt vào đất. Sau này, rừng được trồng mở rộng diện tích thêm hơn 18ha, tập trung trồng các loài đước, sú, vẹt, bần chua... Mọi người đến Rú Chá với những mục đích khác nhau. Nhiều người, các đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh. Nhiều du khách lại chọn Rú Chá làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế, diện tích Rú Chá không đa dạng về thành phần loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Rừng Rú Chá giữ vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước
Rú Chá hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang và trước xu thế bảo vệ môi trường, dân cư, các công trình trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Mở rộng diện tích Rú Chá là điều tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TP. Huế mà còn nhiều địa phương vùng đầm phá, ven biển.
Tháng 6/2020, trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã được thành lập. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án và Rú Chá là một trong những địa danh nằm trong Khu bảo tồn, được ưu tiên bảo vệ.
Được biết, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt Đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong với nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt 21,9ha rừng hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là Rú Chá.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện trồng mới nhiều diện tích rừng để nâng cao khả năng phòng hộ của rừng Rú Chá
Theo đó, thực hiện trồng mới 232,84ha rừng ngập mặn nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.
Ngoài ra, đề án tiến tới xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo về thực vật, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu
Nằm ở hạ nguồn sông Hương và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng, rừng Rú Chá đang được chính quyền địa phương và cộng đồng tích cực giữ gìn, bảo vệ.
Nguyễn Hưng
Bình luận