Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Chủ nhật, 10/09/2023 12:09
TMO - Rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn hệ sinh thái, đồng thời được ví như “bức tường xanh” góp phần giảm tác động của thiên tai đối với người dân khu vực này.
Với tổng diện tích 614,35ha rừng ngập mặn gồm các loại cây bần chua, sú, vẹt vùng ven biển huyện Kim Sơn đã được che chắn bởi một “bức tường xanh” để giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh. Nhờ vậy, người dân vùng ven biển có thể yên tâm hơn trước những trận bão lũ.
Rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn đã tồn tại hàng chục năm tuổi, có nhiều cây cao 3-5m xanh tốt. Rừng vẫn được bảo tồn và phát triển ngày một xanh hơn, giàu có hơn.
Rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn hiện nay có hàng trăm loài chim cư trú, trong đó nhiều loài di cư, hơn 50 loài chim nước mặn và nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ. Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có diện tích hàng nghìn ha và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100m. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ của người dân, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, nơi đây dần được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn, chủ yếu là bần chua, sú, vẹt...
Diện tích rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên một "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa mưa bão, khi có triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn không bị sạt lở; chân đê còn được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.
Thực tế nhiều năm qua, người dân sinh sống quanh khu vực cảm nhận rừng ngập mặn giúp điều hoà khí hậu, bảo vệ cảnh quan ven bờ, chống xói mòn, hạn chế gió bão, bảo vệ đê ven biển...Đặc biệt, rừng ngập mặn góp phần làm sạch môi trường, giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái cho những vùng đất bị ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.
Nhờ có rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của vô số các loài cá, tôm, cua,.. nên người dân nơi đây có thể dễ dàng đánh bắt, gia tăng thu nhập. Ngoài ra, rừng ngập mặn Kim Sơn còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân sống quanh vùng. Trong đó, nuôi ong lấy mật là một mô hình tiêu biểu. Mỗi mùa hoa sú, vẹt có khoảng 20 chủ nuôi với khoảng 5 nghìn đàn ong về lấy mật, sản lượng mật vào khoảng 50-70 tấn, giá trị hàng tỷ đồng.
Để bảo vệ rừng ngập mặn ngày càng tươi tốt tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường. Đồng thời, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền tới người dân hiểu về vai trò của rừng đem lại, cũng như việc khai thác đúng cách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng bền vững.
Minh Anh
Bình luận