Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ tư, 06/12/2023 14:12
TMO – Nhiệm vụ Quy hoạch Gành Đá Đĩa cần xác định ranh giới bảo vệ danh lam thắng cảnh làm cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ; xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89 ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa), thuộc Phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái xung quanh. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai khu vực lập quy hoạch; mối liên hệ với các di tích, công trình, địa điểm trong khu vực nhằm kết nối, phát triển du lịch.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái xung quanh. Ảnh: HOÀI AN
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực. Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ danh lam thắng cảnh làm cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ; xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
Lập Quy hoạch làm cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư; quản lý và bảo vệ danh lam thắng cảnh và các di sản trong khu vực; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh; xây dựng các quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh lam thắng cảnh và các khu vực lân cận, phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan.
Tỉnh Phú Yên có gần 200 km bờ biển, với nhiều đầm, vịnh, vũng đẹp; nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên được xếp hạng cấp quốc gia độc đáo như Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa… đang là điểm đến hấp dẫn của hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Năm 2022 lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng trưởng vượt bậc với 2,2 triệu lượt khách, đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 491,4% (gấp 5,9 lần) so cùng kỳ năm 2021 và tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 620,2% (gấp 7,2 lần) so cùng kỳ năm 2021 và tăng 42,2% so cùng kỳ năm 2019.
HOÀI AN
Bình luận