Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 25/07/2025 09:07
Thứ ba, 22/07/2025 10:07
TMO - Bên cạnh các chính sách, quy định mức hỗ trợ cho người giữ rừng tự nhiên, tỉnh Quảng Trị còn được hưởng khoản kinh phí từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số được tăng thêm nguồn thu nhập từ rừng, góp phần nâng cao đời sống.
Quảng Trị là một trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ được hưởng lợi từ Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, tổng thu từ ERPA (lũy kế đến ngày 30/6/2025) là trên 364,9 tỷ đồng. Đối với việc chi trả tiền ERPA cho các đối tượng hưởng lợi, đến nay tổng số tiền đã giải ngân là hơn 326,7 tỉ đồng, đạt 89,68% trên tổng số tiền đã nhận. Trong đó, tỉnh Quảng Bình (cũ) đã giải ngân hơn 271,4 tỉ đồng, đạt 90,78% trên tổng số tiền đã nhận; tỉnh Quảng Trị (cũ) đã giải ngân hơn 55,3 tỉ đồng, đạt 84,63% trên tổng số tiền đã nhận.
Về kết quả giải ngân tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã và các tổ chức khác, lũy kế đến ngày 30/6, tổng số tiền đã giải ngân là hơn 52,2 tỉ đồng, đạt 17,66% trên tổng số tiền đã nhận. Tổng số tiền ước giải ngân tại các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã trong 6 tháng cuối năm 2025 là trên 105 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ ERPA không chỉ hỗ trợ việc quản lý rừng mà còn trực tiếp mang lại thu nhập cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bản Rum (xã Kim Ngân) có 120 hộ, 372 nhân khẩu, được Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Ðộng Châu-Khe Nước Trong giao khoán bảo vệ 1.840 ha rừng đặc dụng. Từ đầu năm 2024 đến nay, người dân trong bản đã được nhận 3 đợt tiền chi trả từ ERPA, mỗi đợt 3,6 triệu đồng/hộ. Ngoài khoản tiền nêu trên, bản Rum Ho được hỗ trợ thêm mô hình sinh kế với 3 con bò giống sinh sản để giúp đỡ cho 3 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo đánh giá từ Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Ðộng Châu-Khe Nước Trong, từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, bà con ở các bản càng nhiệt tình và có trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng. Từng bản đều có tổ bảo vệ rừng cộng đồng mà thành viên là đại diện các gia đình tham gia. Các tổ trưởng có trách nhiệm phân công các tổ viên luân phiên tham gia nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Thường là người dân chủ động đi tuần rừng, có lúc đi cùng lực lượng chuyên trách của Khu dự trữ cho nên rừng được kiểm tra, bảo vệ tận gốc.
Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất nhận thức về chính sách chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo thỏa thuận ERPA, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông, phổ biến Nghị định 107/2022/NĐ-CP đến nhiều đối tượng khác nhau. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa thông tin về chính sách đến các cấp, các ngành, các đối tượng hưởng lợi và người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ rừng, UBND cấp xã và cộng đồng dân cư trực tiếp hưởng lợi từ nguồn thu ERPA.
Thông qua chính sách chi trả từ ERPA, nhận thức và kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như các chính sách phát triển lâm nghiệp của nhà nước đã được nâng cao đáng kể trong cộng đồng chủ rừng và chính quyền địa phương. Nguồn tiền chi trả từ ERPA đã tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, góp phần cải thiện chất lượng và số lượng rừng ngày càng tăng.
Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp như phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng... đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Quá trình thực hiện chi trả giảm phát thải khí nhà kính ERPA, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, quán triệt, qua đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng những năm qua tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, qua đó nâng cao trách nhiệm của người dân với diện tích rừng trên địa bàn. Đến tháng 5/2025, tỉnh Quảng Trị đã giao hơn 19.200 ha rừng tự nhiên; khoán khoảng 50.000 ha rừng cho các cá nhân, hộ dân và cộng đồng quản lý.
Trong đó, cộng đồng bản Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Lập) được giao bảo vệ 230 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng ở bản Trăng - Tà Puồng có vai trò quan trọng khi ở giữa vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nơi có nhiều loài động vật quý hiếm như nai, vọoc chà vá… Theo Ban Quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bản Trăng - Tà Puồng, đơn vị có 22 thành viên đều là người sinh sống ở địa phương được tập huấn, trang bị kỹ kiến thức, kỹ năng bảo vệ rừng như tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy rừng, trồng rừng.../.
Lê Cường
Bình luận