Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 22:05
Thứ sáu, 09/05/2025 11:05
TMO - Thực hiện chuyển đổi trong nông nghiệp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần nâng giá trị sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hết năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha (trong đó 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 17 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu).
Toàn tỉnh có khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (lúa 154,68ha, rau củ 81,7ha, quả 53,2ha, chè 32,77ha); có 90ha lúa và 329ha quế (với sản lượng khoảng 479 tấn/năm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Địa phương này triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia sâu vào các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn TMĐT lớn và các nền tảng trực tuyến khác, với mục tiêu kết nối sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật… trong tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng website, fanpage, email marketing và tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh minh họa).
Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện Vân Đồn như: Ruốc hàu, mắm tép, chả mực, nước mắm… được đẩy mạnh quảng bá, phân phối trên nhiều kênh online như website, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok... Giá sản phẩm niêm yết rõ ràng, thông tin nguồn gốc xuất xứ dễ dàng được tra cứu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Chè Hải Hà là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Hải Hà. Để khẳng định chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các hộ sản xuất chú trọng sản xuất sạch, đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã phù hợp với lựa chọn của khách hàng. Đặc biệt để thương hiệu ngày càng vươn xa, các cơ sở sản xuất, chế biến tích cực chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở đăng tải hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm để xây dựng niềm tin với khách hàng, nâng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Thời gian tới, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, và cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh phát triển nền tảng quản lý bán hàng, marketing, logistics và tích hợp giải pháp thanh toán điện tử xuyên biên giới; phát triển mô hình chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng dữ liệu lớn để dự báo nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực cho ngành TMĐT; ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử…
Cùng với đó, dự kiến mỗi năm tỉnh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán TMĐT trên trang website… Đồng thời, mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng.
Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp TMĐT cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước.
Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều sự kiện về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet được tổ chức như: Tuần bán hàng trực tuyến, Phiên chợ trực tuyến… nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.../.
Thu Hà
Bình luận