Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ hai, 13/02/2023 12:02
TMO - Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, tỉnh Phú Thọ xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương này chú trọng nâng cao chất lượng, đồng thời tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực: Năm 2022, toàn tỉnh có thêm 61 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh; lũy kế đến nay, có 139 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, đạt 112,1% so với kế hoạch; giá trị sản lượng hàng hóa từ các sản phẩm OCOP năm 2022 tăng từ 10-15% so với năm 2021. Đến nay, Phú Thọ có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.
Chương trình OCOP đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc sản, đặc trưng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm, tạo thu nhập trực tiếp người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: một số sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương sản xuất chủ yếu theo quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, chưa gắn kết được với các tua, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; chất lượng sản phẩm chưa cao, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Chương trình OCOP còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; tiếp tục khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023 tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu phát triển tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 69 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó: phát triển 62 sản phẩm mới và 07 sản phẩm nâng hạng; lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 201 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm OCOP tăng trên 10% so với năm 2022; giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, thu nhập tăng trên 10% so với năm 2022.
Trong năm 2023, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: BPT
Thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 20-25 hợp tác xã, tổ hợp tác và 10- 15 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; có thêm thêm 20-25 xã có sản phẩm tham gia Chương trình; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 40%.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các trung tâm thương mại quốc gia, trung tâm vùng và các địa phương khác có thị trường tiềm năng; hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các tour, tuyến du lịch, hoạt động lễ hội trong tỉnh; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Với những mục tiêu đề ra, trong năm 2023 tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP: tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định, trong đó đặc biệt quan tâm, đánh giá hiệu quả sản xuất về giá trị, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các địa phương, giám sát việc duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.
Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, nhất là hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; Triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại như: diễn đàn kết nối cung - cầu; thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số; hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản, hội nghị, hội thảo. Thông qua đó, góp phần kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, phát triển các điểm quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch có lợi thế, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng. Đẩy mạnh việc xây dựng, kết nối các chương trình, tour tuyến du lịch để đưa du khách đến thăm quan, mua sắm tại Khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và trải nghiệm thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Địa phương này hỗ trợ các chủ thể sản xuất nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: NG
Tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm sau khi được chứng nhận, phấn đấu giá trị sản lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận bình quân tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.
Đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng (139 sản phẩm): Tiếp tục củng cố, duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tiêu chuẩn hóa ở hạng sao cao hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến tiêu chí về giá trị sản lượng, chất lượng, mẫu mã, bao bì, kiểu dáng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh liên kết, tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa ổn định, gắn với thị trường theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ 05 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 02 nâng hạng từ 4 sao lên tiêu chuẩn 5 sao; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động; Rà soát, đánh giá, xếp hạng, công nhận lại đối với các sản phẩm được công nhận năm 2020 (20 sản phẩm) đã thời hạn công nhận theo quy định.
Đối với sản phẩm tiêu chuẩn hóa mới (dự kiến 62 danh mục sản phẩm) tập trung hỗ trợ: Tiêu chuẩn hóa, phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, thương hiệu với quy mô thường xuyên gắn với thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, gắn với đại danh, địa chỉ cụ thể, nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống vùng Đất Tổ.
Trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm gồm 51 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, gồm: 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (chè, bưởi, rau, củ quả, thịt chua, mật ong, đông trùng hạ thảo...); 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (Gạo ST25 Đoan Hạ, Thịt chua, chè xanh, Trà sữa Matcha, dưa lê); Nhóm sản phẩm đồ uống gồm: 03 sản phẩm (Rượu ngô Tân Sơn, Rượu Tùng Chúc Hưng Long, Rượu gạo Thanh Lâm) đạt tiêu chuẩn 3 sao; Nhóm sản phẩm thảo dược gồm: 05 sản phẩm (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bột gốm cà gai leo, tinh dầu quế) đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí gồm: 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (Nón lá Sai Nga, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa); Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng - điểm du lịch: Hỗ trợ, phát triển 01 Điểm Du lịch Đền mẫu Âu Cơ, đạt hạng 3 sao, gắn với các điểm, tuyến, tua du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đồng thời là điểm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP.
Ngoài các sản phẩm theo kế hoạch, khuyến khích các huyện, các xã lựa chọn, phát triển các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản của địa phương, sản phẩm truyền thống, làng nghề có nguy cơ bị thất truyền tại các địa phương, tập trung hỗ trợ các chủ thể khôi phục, phát triển và phấn đấu tiêu chuẩn hóa sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Hồng Hạnh
Bình luận