Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ ba, 04/04/2023 07:04
TMO - Tỉnh Hải Dương xác định, việc tăng cường công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh. Điều này, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường xuất khẩu mà còn định hình thương hiệu nông sản của địa phương trên các thị trường lớn.
Tỉnh Hải Dương đã có nhiều nông sản được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: cà rốt Đức Chính- Cẩm Giàng, gà đồi Chí Linh, vải thiều Thanh Hà, na Chí Linh, bưởi đào Thanh Hồng, ổi Liên Mạc, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, rau an toàn Gia Lộc, hành tỏi Kinh Môn... Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, các sản phẩm tiếp tục được chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, khẳng định chất lượng, không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà một số còn vươn ra thị trường thế giới.
Việc chú trọng chất lượng để cấp mã số vùng trồng của tỉnh Hải Dương, chính là "tấm vé” cho nông sản xuất ngoại. Một số vùng trồng cải bắp và cà rốt của tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng bên cạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh đã đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VM.
Đến nay, toàn tỉnh có 265 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 1.735 ha, chủ yếu ở TP Chí Linh và huyện Thanh Hà. Trong đó, 199 mã vùng trồng vải và 27 mã vùng trồng nhãn, còn lại là các loại cây trồng khác. Các mã số vùng trồng được cấp chủ yếu xuất sang thị trường các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…
Đối với vùng trồng vải, toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Toàn tỉnh có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Để được cấp mã số vùng trồng ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đã xây dựng 35 vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, lựa chọn các vùng cải bắp ở hai huyện Gia Lộc và Thanh Miện, diện tích tối thiểu 5 ha/vùng và cà rốt ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh có diện tích tối thiểu 10 ha/vùng để cấp mã số vùng trồng. Cuối năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 20 mã số vùng trồng cho các vùng trồng rau đủ điều kiện xuất khẩu với tổng diện tích 163 ha. Trong đó, có 13 mã cho vùng cà rốt và 7 mã cho vùng rau cải bắp. Các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu không chỉ giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn dần nâng cao nhận thức của nông dân về quy trình sản xuất sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Hải Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước được cấp mã số vùng trồng cà rốt và cải bắp để xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết; kịp thời phát hiện và báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mã số vùng trồng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản cũng cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nếu nước nhập khẩu phát hiện vi phạm về mã số vùng trồng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành hàng, thậm chí nông sản Việt phải đối diện với nguy cơ mất thị trường.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2023 cả nước đã có 5.300 mã số vùng trồng được công nhận, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu nông sản đối với vùng nguyên liệu xuất khẩu. Hướng tới xuất khẩu nông sản bền vững, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng các quy định, quy trình tiêu chuẩn, đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, người dân nắm rõ quy trình này. Đảm bảo việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được thực hiện chặt chẽ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại thực hiện và chịu trách nhiệm việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.
Tiến Nam
Bình luận