Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ hai, 20/06/2022 11:06
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim, bảo vệ môi trường cư trú, phát triển cho các loài động thực vật, giữ gìn tính đa dạng sinh học tại địa phương.
Nằm ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long, Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, huyện Tam Nông hiện tại là một trong những phần còn lại cuối cùng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Được công nhận là VQG năm 1998, với diện tích 7.313 ha, Tràm Chim thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng, đồng thời cũng được coi là khu bảo tồn đất ngập nước điển hình.
Vùng đất ngập nước tại VQG Tràm Chim sở hữu tính đa dạng sinh học tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Hoàng Nam
Khu vực này được đánh giá là một hình mẫu sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười với tính đa dạng sinh học cao gồm 231 loài chim, trong đó có 32 loài chim quý hiếm; 130 loài thực vật đặc trưng 6 kiểu quần xã gồm lúa ma, sen, cỏ ống, tràm, năng, mồm mốc; 130 loài cá; 44 loài lưỡng cư, bò sát. Năm 2012, VQG Tràm Chim được công nhận khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã tác động đến đa dạng sinh học của VQG, dẫn đến tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm. Theo thống kê của VQG Tràm Chim, năm 1991 có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ về, nhưng sau đó về ngày càng giảm. Đến năm 2017 chỉ có 3 cá thể sếu đầu đỏ về, năm 2018 là 9 cá thể, năm 2019 là 11 cá thể. Riêng năm 2020 không một cá thể sếu đầu đỏ nào về đây.
Nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Đồng Tháp có vùng đất ngập nước, nhiều hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái được triển khai thực hiện.
Những năm qua, Vườn Quốc gia Tràm Chim tích cực thực hiện bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo tồn nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng…
Tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái tại khu đất ngập nước
Công tác tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép với tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự đồng thuận lớn trong cộng đồng dân cư ở các khu vực vùng đệm của vườn quốc gia.
Đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát các loài sinh vật lạ xâm lấn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước. Từ năm 2009 đến nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện đề án diệt trừ cây mai dương - một sinh vật ngoại lai gây hại cho các loài thực vật, động vật bản địa.
Hiện nay, VQG đã cơ bản hạn chế sự phát tán của loài này, hệ sinh thái, hệ thực vật tại các khu vực kiểm soát được phục hồi, thu hút các loài chim và loài động vật khác đến trú ngụ, tái tạo cảnh quan môi trường.
Suy giảm đa dạng sinh học đã tác động đến việc triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ hệ sinh thái tại VQG Tràm Chim
Để phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý môi trường tại VQG, hiện nay, nhóm các chuyên gia đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Đại học Wollongong (Australia) hợp tác thực hiện dự án “Quản lý môi trường hệ sinh thái với công nghệ AI/IoT” tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tại dự án này, các chuyên gia sử dụng trạm quan trắc dữ liệu môi trường tự thiết kế để đo đạc các tham số như mực nước, ô xy hòa tan, độ đục của nước, nhiệt độ. Từ đó, giúp các nhà quản lý ngay lập tức nắm được chỉ số quan trọng để có giải pháp góp phần bảo vệ, phát triển hệ sinh thái của vườn quốc gia.
Đồng thời, các chuyên gia sử dụng camera AI (trí tuệ nhân tạo) có thể tự động chụp ảnh tại vị trí cố định trong vườn. Từ đó, áp dụng công nghệ nhận dạng ảnh vào phân tích, phân loại, đánh giá các quần thể thực vật và động vật của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ ban hành quyết định phê duyệt “Phương án quản lý bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, sẽ phục hồi các sinh cảnh đang bị suy thoái. Đặc biệt, phục hồi quần xã năng kim, nguồn thức ăn chính để thu hút sếu đầu đỏ về sinh sống; quần xã lúa ma là nguồn gien cực hiếm của vùng.
Minh Thanh
Bình luận