Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 26/09/2024 13:09
TMO - Tỉnh Quảng Bình đang xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Để thực hiện hồ sơ, các cơ quan chức năng và đơn vị sẽ khảo sát lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng có quy mô diện tích 484.326ha, dân số 133.642 người. Trong đó, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển được lấy theo ranh giới vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu di sản VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa phận 2 huyện, 7 xã/thị trấn, diện tích 123.326ha; vùng đệm được lấy theo ranh giới vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận 3 huyện, 13 xã/thị trấn, diện tích là 220.000ha; vùng chuyển tiếp nằm trên địa phận 6 huyện/thị xã, 18 xã/thị trấn, diện tích 141.000ha.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) có diện tích hơn 123 nghìn héc-ta, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận Di sản thiên nhiên thế giới.
Theo đánh giá của UNESCO, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Nơi đây rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó 83,74% là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có và hầu như chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam.
Tại VQG này ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật, trong đó có 116 loài ghi trong sách đỏ IUCN, 82 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; hàng chục loài có tên trong phụ lục bảo vệ khẩn cấp của Chính phủ và các tổ chức bảo tồn quốc tế. Sự đa dạng về rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hang động là điều kiện lý tưởng về sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 42% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam. VQG này cũng ghi nhận sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao, trong đó có 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 111 loài có trong sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về hệ thực vật ở Phong Nha-Kẻ Bàng bao gồm cả thành phần loài, nguồn gien và tài nguyên thực vật.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích vùng đệm lớn nằm trên 3 huyện Quảng Ninh, Minh Hoá, Bố Trạch, đồng bào sinh sống gần 69 nghìn người, chủ yếu là người dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều. Người dân sống quanh vùng đệm của Vườn đời sống còn khó khăn, chủ yếu là phụ thuộc vào rừng. Họ khai thác các loài động thực vật từ rừng nên công tác bảo tồn sinh học tại đây cũng khó khăn.
Vì vậy, Ban Quản lý Vườn đã tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như phát triển kinh tế bền vững dựa vào du lịch sinh thái, tăng sinh kế cho người dân trong vùng đệm để giảm áp lực lên rừng. Đặc biệt, Ban quản lý Vườn phối hợp với các địa phương quanh vùng đệm của Vườn thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống nạn mua bán động vật hoang dã, thực vật quý hiếm.
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng hướng tới mục tiêu trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới góp phần vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và con người một cách bền vững về các mặt văn hóa, xã hội và sinh thái; hỗ trợ các chương trình trình diễn, hoạt động giáo dục và tập huấn về môi trường, nghiên cứu và giám sát liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.
Được biết, để được đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần đạt được 7 tiêu chí bao gồm: Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người; Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại khu vực;
Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp; Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp, để cùng thực hiện những chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.
Khu dự trữ sinh quyển là khái niệm được UNESCO đưa ra năm 1971, nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao, bao gồm trong đó các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, vùng đất ngập nước, biển, ven biển… Khu dự trữ sinh quyển là nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong đó, việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương là rất quan trọng.
Hiện trên thế giới có 738 Khu dự trữ sinh quyển tại 134 quốc gia; bao gồm 22 Khu dự trữ sinh quyển thế giới xuyên biên giới đã được công nhận. Hiện nay Việt Nam có một hệ thống gồm 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam gồm Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000); Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2011); Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004); Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004); Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006); Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (2007); Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009); Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009); Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (2015); Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (2021); Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, việc quản lý hiệu quả các Khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế; đồng thời bảo đảm tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.../.
Trần Ngát
Bình luận