Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ tư, 22/03/2023 12:03
TMO - Trước dự báo về khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thủy văn để triển khai kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt...
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum diễn biến khí tượng, thủy văn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 trên địa bàn tỉnh có lượng mưa đạt xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (TBNNCTK). Tổng lượng mưa khu vực phía Tây Nam và phía Nam tỉnh đạt từ 300 - 400 mm, ở mức cao hơn so với TBNNCTK; khu vực phía Đông và Đông Bắc tỉnh đạt từ 200 - 300 mm, ở mức xấp xỉ so với TBNNCTK.
Từ cuối tháng 03 có khả năng xảy ra nắng nóng ở khu vực giữa, Tây và Tây Nam tỉnh, sau đó gia tăng về cường độ trong tháng 4 và tháng 5; So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lượng dòng chảy từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 trên sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum có khả năng đạt thấp hơn từ 45 - 60%, trên sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô đạt thấp hơn từ 5 - 10%.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động phương án ứng phó với khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước trên địa bàn trong cao điểm mùa khô.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các vùng không chủ động được nguồn nước tưới thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Thiếu nước gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nước sinh hoạt của người dân, nhất là ở các vùng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung.
Hiện nay, nguồn nước tại 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dung tích trữ đạt khoảng 61,6% so với dung tích thiết kế, qua tính toán, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ Đông Xuân năm 2022-2023. Tại các đập dâng và hồ chứa nhỏ nguồn nước vẫn ổn định. Tuy nhiên, tại một số công trình có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum trong điều kiện xảy ra thời tiết nắng nóng kéo dài có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước về cuối vụ.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, diễn biến thời tiết trên phạm vi toàn tỉnh đang bắt đầu thời kỳ cao điểm của mùa khô, từ nay cho đến cuối vụ (đến hết tháng 4 năm 2023) khô hạn, thiếu nước với mức độ trung bình, khả năng xảy ra cục bộ ở các khu vực không chủ động được nguồn cung cấp nước thuộc địa bàn thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy.
Để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Rơ Wa, Đăk Chà Mòn 1 (Thành Phố Kon Tum); hồ Cà Sâm (Huyện Đăk Hà); hồ Đăk Sia 1 (Huyện Sa Thầy); hồ C19, Hố Chè (Huyện Đăk Tô); Đăk Hơ Niêng (Huyện Ngọc Hồi)...Thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý. Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới.
Tỉnh Kon Tum thực hiện biện pháp tưới khoa học, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng sản xuất. Ảnh: HL.
Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau. Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: Dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa... nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.
Kiểm tra cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp để đảm bảo tải nước không bị thất thoát phục vụ tưới và chống hạn. Các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa, nâng cấp (Đập Đăk Toa, Đập Đăk Grấp, Đăk Leng 2...) để hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ chống hạn. Triển khai thực hiện xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (rau, hoa, quả, cây công nghiệp ...) đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Đối với nguồn nước sinh hoạt, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình chỉ đạo các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình. Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.
Tăng cường biện pháp quản lý điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống. Đóng khóa van, vòi tại các vị trí không cần thiết để điều tiết nước đến các vị trí bất lợi nhất. Khuyến cáo nhân dân thường xuyên kiểm tra và chủ động tổ chức nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, thiếu nước, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý, chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.
Nguyễn Lâm
Bình luận