Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ hai, 03/06/2024 08:06
TMO - Mùa hè là dịp nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em tăng cao, trong đó có hoạt động bơi lội và đây cũng chính là thời điểm hay xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Để hạn chế đuối nước ở trẻ em, cần có các biện pháp phòng tránh và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước.
Phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh luôn được ngành giáo dục và các cấp, ngành quan tâm. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè.
Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn... Trước thực trạng đó, phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh luôn được chú trọng. Để chủ động phòng chống hoặc xử lý tình huống đuối nước, mỗi người dân đặc biệt là các em học sinh cần phải chú ý những điều như sau:
Ảnh minh họa.
Đầu tiên, cần trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…Với những nơi nước nguy hiểm cần đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy.
Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ. Bên cạnh đó khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
Trong trường hợp phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ 114.
Ngoài ra, khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Tuyệt đối không vác nạn nhân lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì sẽ làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Do khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nước sẽ được tống ra ngoài khi hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Trên đây là những điều lưu ý nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, rất mong các bậc phụ huynh và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình về tai nạn đuối nước nhất là trong khoảng thời gian các em được nghỉ hè.
Bích Đào
Bình luận