Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ hai, 26/08/2024 14:08
TMO - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực vùng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng đã phối hợp, xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa hai địa phương.
Vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng hầu hết là rừng tự nhiên, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, có độ che phủ rừng và trữ lượng gỗ lớn. Đặc biệt tại khu vực này có 3 khu rừng phòng hộ và đặc dụng quan trọng là Vườn Quốc gia Bạch Mã, Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Tổng chiều dài vùng giáp ranh khoảng 64 km, trong đó có QL1A và cao tốc La Sơn – Túy Loan đi qua địa phận hai tỉnh.
Trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng các đơn vị vùng giáp ranh đã thực hiện một số hoạt động phối hợp trong công tác lâm nghiệp, nhiều vụ xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, vốn rừng cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, một số vụ vi phạm không bắt giữ được đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh, một số vụ xử phạt người vi phạm ngoài địa phương gặp khó khăn, việc chia sẻ thông tin thiếu kịp thời, đặc biệt các hoạt động vi phạm lâm luật ở khu vực đường cao tốc La Sơn- Túy Loan.
Lực lượng kiểm lâm TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh (Ảnh minh họa).
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp tại khu vực vùng giáp ranh, đảm bảo tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển bền vững, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng vừa phối hợp, xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa hai địa phương.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm hai địa phương này thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả về chuyên môn và tăng cường trao đổi thông tin, xử lý thông tin giữa các đơn vị phối hợp trong lĩnh vực lâm nghiệp vùng giáp ranh; quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hạn chế xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật qua vùng giáp ranh, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ.
Trên cơ sở nội dung Quy chế phối hợp này, các đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của các đơn vị phối hợp, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hoặc tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp vùng giáp ranh xây dựng Kế hoạch phối hợp cụ thể để tổ chức thực hiện.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc ký kết Quy chế phối hợp hy vọng sẽ giúp tăng cường sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt giữa lực lượng kiểm lâm của 2 địa phương, các chủ rừng và giúp cho công tác bảo vệ, phát triển rừng, quản lý tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng được hiệu quả hơn.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong những năm qua địa phương này đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương có rừng giáp ranh để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là hai tỉnh liền kề, có vùng giáp ranh hầu hết là rừng tự nhiên, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu có về đa dạng sinh học. Đặc biệt, tại khu vực này có hai khu rừng đặc dụng quan trọng là Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn Sao La. Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế có diện tích 15.519 ha, kết nối với Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn Quốc gia Xê Sáp của Lào, tạo thành một hành lang bảo tồn, một phức hệ rừng rộng lớn, liên tục và thống nhất.
Trong những năm qua, các đơn vị kiểm lâm vùng giáp ranh đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều vụ xâm hại tài nguyên rừng, qua đó đảm bảo cho tài nguyên rừng khu vực giáp ranh được bảo vệ và phát triển một cách bền vững; sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng gắn với việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo công ăn việc làm, phát triển sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng khó khăn miền núi. Bên cạnh đó, hai địa phương còn cam kết huy động các nguồn lực tham gia quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững.
Phan Hoài
Bình luận