Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 04/04/2025 04:04
Thứ tư, 02/04/2025 14:04
TMO - Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên.
Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong việc phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép…
Điện Biên có diện tích tự nhiên là 954.125 ha; trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích rừng toàn tỉnh tương đối lớn với khoảng 419.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%. Tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 404.436 ha, diện tích đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 316.359 ha.
Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả trên 211 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đó, giai đoạn 2019 - 2023, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng quỹ đã chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 994 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời huy động được một nguồn nhân lực lớn cho tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: Năm 2021 hơn 95.000 hộ, năm 2022 gần 96.000 hộ, năm 2023 trên 96.000 hộ.
Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền đến bà con biện pháp bảo vệ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, đã tạo một nguồn thu nhập ổn định đối với người làm nghề rừng, đời sống từng bước được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Huyện Tuần Giáo hiện có hơn 45.400ha đất có rừng, trong đó hơn nửa diện tích đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giai đoạn 2019 - 2023, có khoảng 1.000 lượt chủ rừng là cá nhân và cộng đồng ở huyện Tuần Giáo đã được chi trả gần 92,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; được cấp phát 672 sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng, 157 sổ tay tuần tra bảo vệ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm 2024, toàn huyện được chi trả hơn 19,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, các thôn, bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng để đầu tư công trình phúc lợi xã hội, phục vụ lợi ích chung của thôn, bản như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường... Các hộ gia đình sử dụng nguồn kinh phí này quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, mua phân bón, cây, con giống, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, một phần sử dụng chi tiêu nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.
Một số chủ rừng nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tương đối cao, như: Cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (bình quân mỗi hộ nhận gần 87 triệu đồng/năm); cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo (bình quân mỗi hộ nhận gần 28 triệu đồng/năm); thu nhập bình quân mỗi năm của hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 2 triệu đồng/năm…
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Quý I/2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chủ động bám sát chỉ đạo của Hội đồng Quản lý quỹ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến ngày 14/3, Quỹ đã chi hơn 7,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân và cộng đồng (bao gồm cả nguồn kết dư từ năm 2024), giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.
Để công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng hiệu quả, bền vững, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với mục tiêu xây dựng hệ thống chi trả công khai, minh bạch, kịp thời, lấy người dân làm trung tâm. Các hoạt động trọng tâm của Quỹ đang từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét, tăng cường sinh kế và gắn kết cộng đồng với công tác bảo vệ tài nguyên rừng.
Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận tiện trong việc chi trả, Quỹ đã tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh để mở tài khoản và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đến ngày 13/3, toàn tỉnh đã có 4.684/5.028 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ trên 93%, cho thấy hiệu quả từ công tác vận động, hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đem lại lợi ích cũng như gắn được trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng.../.
Lê Vân
Bình luận