Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 11/04/2024 07:04
TMO - Việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Theo đó, hàng năm Sở NN&PTNT ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng. Tham mưu các nội dung công việc liên quan đến đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Tổ chức tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở Công thương, Sở Khoa học - công nghệ, Sở Y tế, Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản trực thuộc Sở NN&PTNT đi cơ sở để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm…
Giai đoạn 2018 - 2023, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và các chủ thể OCOP với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất - kinh doanh, phát triển sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm; các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với sản phẩm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đồng thời, đăng ký và xây dựng thương hiệu; ghi nhãn mác hàng hóa; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất...
Sản phẩm OCOP tại các địa phương được quảng bá rộng rãi, thúc đẩy tiêu thụ. Ảnh: SV.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn, từ năm 2018 - 2023 ngân sách tỉnh đã chi hơn 63,7 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP. Phần lớn nguồn kinh phí vừa nêu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, thiết lập bao bì - mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Tính đến ngày 22/12/2023 toàn tỉnh có tổng cộng 395 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 334 sản phẩm hạng 3 sao và 61 sản phẩm hạng 4 sao. Trong số sản phẩm đạt chuẩn OCOP nêu trên, có 293 sản phẩm thực phẩm, 32 sản phẩm đồ uống, 23 sản phẩm dược liệu, 45 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 - 4 sao qua gần 6 năm thực hiện chương trình là Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộ.
Những năm qua chương trình OCOP đã thu hút 314 chủ thể là các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia. Trong đó, hộ kinh doanh có số lượng lớn với 157 hộ (chiếm 50%), 107 hợp tác xã (chiếm 34,1%), 50 doanh nghiệp và tổ hợp tác (chiếm 15,9%). Chương trình OCOP đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước. Từ đó, các sản phẩm tham gia chương trình này khi được công nhận đạt chuẩn các hạng sao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước; nhiều sản phẩm được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.
Sở NN&PTNT tỉnh nhấn mạnh, từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn. Đáng chú ý, đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất như VietGap, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP. Phát triển chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: SV.
Với điều kiện của huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng 6 năm qua huyện Nông Sơn vẫn tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với một số phòng ban liên quan và UBND 6 xã, thị trấn tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Nhờ nỗ lực triển khai nhiều khâu, tính đến cuối năm 2023 trên địa bàn Nông Sơn có tổng cộng 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 1 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Chương trình OCOP đã tạo động lực rất lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển mạnh kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, từ việc đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã dần khẳng định thương hiệu, ngày càng vươn ra thị trường. Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, Nông Sơn sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển những sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh của địa phương; đồng thời, đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2023, thị xã Điện Bàn có 36 sản phẩm của 27 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã và đang tham gia đánh giá công nhận OCOP, chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến và thủ công mỹ nghệ. Cụ thể, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Số sản phẩm đang tham gia đánh giá năm 2023 gồm 11 sản phẩm.
Chương trình OCOP đã mang đến nhiều thay đổi, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh phát triển sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề dựa trên tài nguyên bản địa, từ đó gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu… nhiều sản phẩm nông thôn Điện Bàn đã phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Với chương trình này, nhiều địa phương đã tìm và xác định rõ thế mạnh, tiềm năng của mình, các doanh nghiệp bản địa được hỗ trợ xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP có nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản, truyền thống và có lợi thế ở địa phương. Chương trình OCOP cũng giúp từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh và phát triển bền vững.
Do đó, Chương trình OCOP có sự gắn kết chặt chẽ, là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là thúc đẩy về tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống... cho người dân nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình một vai trò 'đại sứ' của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn. Ngày nay, các sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu dùng, các sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương.
Sau hơn 13 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới bên cạnh sự khởi sắc, nổi bật, về diện mạo nông thôn, kinh tế nông thôn có đã có sự thay đổi rõ rệt, góp phần vào quá trình phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tính đến hết năm 2023, cả nước đã có hơn 10.810 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, của 5610 chủ thể OCOP, trong đó có gần 38% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp và hơn 35% là các cơ sở sản xuất - hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Đức Vinh
Bình luận