Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 26/10/2021 08:10
Thời gian qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang quan tâm đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Rừng không chỉ che chở, bảo vệ người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sự no ấm cho người dân vùng cao. Từ rừng, hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định nhờ trồng các loại cây có giá trị.
Nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng rừng sản xuất
Làm giàu từ rừng
Cách đây 5 năm, hộ gia đình anh Vàng A Lai, ở bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tham gia Dự án trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Với diện tích đất trống, anh Lai đưa cây sơn tra vào trồng; tận dụng tán rừng nhận bảo vệ, anh trồng trên 2 nghìn gốc thảo quả, địa lan. Đất chẳng phụ công người, đến nay, gia đình anh Lai có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu hái quả sơn tra, thảo quả và bán hoa địa lan…
“Nhờ rừng mà gia đình giờ đã thoát nghèo, có thêm tiền mua sắm vật dụng như xe máy, ti vi, máy xay xát… Cuộc sống bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Mình cũng đang có ý định đăng ký nhận trồng thêm rừng nếu Nhà nước giao”.
Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Cách đây 5 năm, xã có tới 70% hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn có độ dốc cao, diện tích đất để sản xuất rất ít. Phát huy thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn.
“Khi người dân có thu nhập từ rừng, rừng là nguồn sống của họ thì bà con tự nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bây giờ trên địa bàn xã đã có nhiều hộ có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ rừng. Kinh tế rừng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, hết năm 2020, số hộ nghèo của xã chỉ còn gần 20%”.
Với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Vàng Khon, thị trấn Phong Thổ, đã trở thành tỷ phú trên mảnh đất biên giới. Hiện nay, gia đình anh Oanh có trên 200 ha rừng, bao goofm rừng trồng và rừng nhận giao khoán, bảo vệ.
Cùng với rừng, gia đình anh chăn nuôi gần 100 con bò, với mô hình này gia đình anh có thu nhập bình quân trên 800 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động là người địa phương. Có "của ăn, của để", gia đình anh sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân trong bản; hộ thì được anh cho mượn đất dựng nhà, trồng cỏ chăn nuôi, có hộ thì anh hỗ trợ vốn, bán chịu bò giống với giá rẻ, đến khi nào bò sinh sản mới thu vốn…
“Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập để đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như sa nhân, nghệ đen, tam thất… Đồng thời, tiếp tục nhân giống và phát triển đàn bò, trâu, gà…. Mình sống ở vùng cao, nếu không làm giàu từ rừng thì cũng chẳng biết làm gì để có thể nâng cao thu nhập được”, anh Oanh tâm sự.
Phát huy hiệu quả sinh kế từ rừng
Tại tỉnh Lào Cai, mô hình giao đất cho dân, xã hội hóa trồng rừng cũng đã phát huy hiệu quả tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng cũng như tạo sinh kế cho người dân từ rừng.
Ý thức bảo vệ rừng của người dân đã từng bước được nâng cao nhờ hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại
Bắt đầu từ năm năm 2016, huyện Bảo Yên thay đổi cách thức hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất từ trả tiền trước sang trả sau. Khi cây trồng của người dân được nghiệm thu tại vườn, nương, đồi đạt tiêu chuẩn thì mới được trả tiền hỗ trợ. Với cách làm này, thay vì cấp phát giống cho người dân như trước đây, thì hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất, tự mua giống và trồng rừng. Sau khi rừng trồng được ngành chuyên môn gồm, Ban Quản lý rừng 661, Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp huyện và chính quyền xã nghiệm thu tại thực địa, chủ đầu tư sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho người trồng rừng theo quy định. Cách làm này mang lại lợi ích kép, đó là khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, giao quyền tự chủ cho người trồng rừng, từ khâu giống, thời gian trồng, chăm sóc, thu lợi...
Sau hơn 5 năm thực hiện phương thức hỗ trợ trồng rừng, toàn tỉnh Lào Cai đã trồng được gần 30 nghìn ha rừng sản xuất. Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã rà soát xong và cắm 4.946 mốc giới các loại rừng theo mục đích sử dụng. Qua đó, đã chuyển hơn 200 nghìn ha đất lâm nghiệp và rừng phòng hộ ít xung yếu phục vụ phát triển rừng sản xuất. Đến thời điểm này, đã có hơn 50 nghìn hộ gia đình và 15 tổ chức nhận khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng kinh tế.
Để làm được điều này, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát triển mạnh trồng rừng đa loài, đa mục đích để tạo nguồn thu cao và ổn định cho người trồng. Trong đó, tỉnh ưu tiên trồng các loại cây keo lai, mỡ, thông, muồng, bồ đề, luồng Thanh Hóa, đặc biệt là cây quế... Ðây là những giống cây qua khảo nghiệm đã chứng tỏ khả năng sinh trưởng nhanh, có thể thâm canh, tái vụ tại địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.
“Muốn người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ rừng thì quyền lợi và trách nhiệm phải song hành, nghĩa là người dân phải có thu nhập từ rừng. Ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu của huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên đã chứng minh một điều, đó là nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sẽ cho năng suất từ 70 đến 80 m3 gỗ/ha, có hộ đạt tới hơn 100 m3 gỗ/ha, giá bán khoảng 60 đến 80 triệu đồng/ha, thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 5 năm…”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết./.
PV/Dantoc
https://baodantoc.com.vn/phat-trien-rung-gan-voi-tao-sinh-ke-cho-dong-bao-vung-cao-1618475359886.htm
Bình luận