Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 01:01
Thứ năm, 12/05/2022 12:05
TMO - Theo kế hoạch nuôi biển năm 2022, cả nước phấn đấu tổng diện tích nuôi biển dự kiến đạt 90 nghìn ha và 9,5 triệu m3 lồng nuôi, với sản lượng nuôi biển năm nay đạt 790 nghìn tấn.
Nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ phù hợp để phát triển nuôi biển. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển cả nước hiện khoảng 500 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là trên 150 nghìn ha, diện tích nuôi vùng vịnh, eo ngách và ven đảo trên 79 nghìn ha và nuôi xa bờ khoảng 100 nghìn ha.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, diện tích nuôi biển của nước ta đạt khoảng 85 nghìn ha, 9 triệu m3 lồng bè và sản lượng thu hoạch khoảng 730 nghìn tấn.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để hình thành các vùng nuôi biển xa bờ, hướng tới mục tiêu nuôi biển công nghiệp
Tuy nhiên theo nhận định của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Vấn đề quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa đạt được công suất thiết kế. Ngoài ra, hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư.
Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2022, tổng diện tích nuôi biển cả nước đạt 90 nghìn ha (chưa bao gồm diện tích nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 790 nghìn tấn. Đến năm 2025, dự kiến nâng quy mô diện tích nuôi biển lên 280 nghìn ha với thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu m3, tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 850 nghìn tấn.
Theo kế hoạch đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, 12 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng nuôi biển đạt 1,4 triệu tấn. Tầm nhìn đến 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nuôi biển, qua đó ngành nuôi biển công nghiệp nước ta bước đầu được hình thành, hạ tầng vùng sản xuất giống, hạ tầng phụ trợ, khu vực tập trung sản xuất giống, thức ăn, thiết bị phục vụ khu nuôi, công nghiệp chế biến, phát triển phát triển thị trường tiêu thụ.
Chính phủ và các địa phương ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nuôi biển công nghiệp. Ảnh: TL
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, chủ trương phát triển ngành thuỷ sản chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để ngành nuôi biển đạt hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Thuỷ sản thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế, ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp. Khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Triển khai các chương trình, dự án trọng điểm để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để phát triển ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng được giao xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển như giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi.
Mạnh Quân
Bình luận