Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ ba, 21/02/2023 04:02
TMO - Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, thời gian qua nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác tối đa tiềm năng, do vậy việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ được địa phương này ưu tiên triển khai.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Bình Định có chiều dài bờ biển trên 134 km, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng... Cả tỉnh còn có hơn 6.000 tàu cá - là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn thứ 5 cả nước, góp phần đưa ngành kinh tế thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Với nuôi biển, toàn tỉnh có khoảng 60 ha diện tích mặt nước nuôi lồng, bè trên biển do người dân tự đầu tư với 2.965 lồng/56.970 m3 nuôi cá chẽm, cá bớp, cá hồng, cá mú, tôm hùm, mực lá... Năm 2022, sản lượng nuôi biển đạt 217 tấn, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, tỉnh Bình Định có 4 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển với tổng diện tích là 46,134 ha tại những địa điểm có thể phát triển mô hình nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái biển.
Nghề nuôi lồng - bè biển trong những năm gần đây đã được những kết quả tích cực như: Lợi nhuận dao động 35 - 50 triệu đồng/100 m3 lồng; giải quyết công ăn việc làm, ổn định thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho gần 500 hộ gia đình sinh sống ven biển, ven đảo; thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất hỗ trợ khác như sản xuất giống, thức ăn, cơ sở dịch vụ thủy sản…; cung cấp thực phẩm tươi sống cho thị trường trong và ngoài tỉnh; góp phần giảm áp lực cho khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Các hộ nuôi tôm hùm trong lồng bè ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, nghề nuôi biển của Bình Định cũng còn nhiều khó khăn. Đặc điểm vùng biển của Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão nhưng nuôi biển tại đây lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển lồng nuôi HDPE. Khó khăn nữa là hiện nay người nuôi đang sử dụng hầu hết thức ăn tươi sống để nuôi cá biển, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; xảy ra dịch bệnh; chi phí thức ăn, con giống và vật tư, thiết bị phục vụ nuôi lồng bè trên biên luôn biến động và tăng cao.
Ngoài ra, các hộ nuôi biển quy mô nhỏ lẻ và chưa thực hiện đăng ký/cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người nuôi biển chưa đáp ứng nhu cầu. Hoạt động nuôi biển ven bờ bị ảnh hưởng lớn bởi các hoạt động phát triển du lịch…
Mục tiêu của tỉnh Bình Định là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, trong đó có phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp. Tỉnh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao nhằm hiện đại hóa lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; trong đó, tập trung vào nuôi tôm hùm, cá biển tại vùng biển Quy Nhơn và Phù Mỹ, tiến tới xây dựng mô hình nuôi biển cộng đồng gắn với quản lý, bảo vệ môi trường.
Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định quy hoạch đến năm 2030 nuôi cá lồng bè trên biển đạt 80.000 m3, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ. Theo đó, ở các vùng này đầu tư phát triển nuôi theo hướng thâm canh tập trung, nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh quy hoạch xây dựng phát triển vùng nuôi chuyên canh thủy sản ở các địa phương ven biển, phát triển các nhóm vật nuôi biển tiềm năng ở vùng biển Quy Nhơn và Phù Mỹ. Cùng với đó, thí điểm xây dựng mô hình nuôi biển cộng đồng; mô hình đồng quản lý nuôi biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tổ chức sản xuất, nuôi biển xa kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Tỉnh cũng đề ra 3 nhiệm vụ chính cần thực hiện, cụ thể: Chuyển từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; hiện đại hóa công tác quản lý nghề nuôi biển; phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao với các đối tượng nuôi tôm hùm, cá biển. Phát triển mô hình nuôi biển cộng đồng, mô hình đồng quản lý nuôi biển bền vững găn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tổ chức sản xuất nuôi biển xa kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Thiết lập và kiện toàn hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh chủ động cho những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Bình Định cũng kiến nghị hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi biển hở ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh. Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển. Trước mắt, đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho tỉnh mô hình trình diễn nuôi cá biển bằng vật liệu mới HDPE để nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn trong vụ nuôi.
Nguyễn Hoa
Bình luận