Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 23:01
Thứ năm, 07/04/2022 20:04
TMO - Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loài nhuyễn thể nuôi như: ngao, hàu, ốc hương, sò điệp...Đến nay, nhuyễn thể của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 42 nước với các thị trường chính gồm: EU, Bắc Mỹ, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2021 xuất khẩu nhuyễn thể đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong cơ cấu xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ năm 2021, nghêu (ngao) là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sản nghêu tăng 42% với giá trị 78 triệu USD.
Trong năm 2021, xuất khẩu nghêu sang thị trường EU tăng 42% so với cùng kỳ
Theo Tổng cục Thủy sản, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh.
Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống nghêu. Sản lượng giống nghêu hàng năm hơn 130 tỷ con, đáp ứng được trên 60% nhu cầu nuôi. Nhiều địa phương, hợp tác xã và người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến trên trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển ngành hàng nhuyễn thể, với 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều với 2.200 loài động vật thân mềm. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi nhuyễn thể của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, trong đó việc sản xuất nhỏ lẻ, nguồn giống tự nhiên thiếu sự quản lý, chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho nuôi nhuyễn thể...
Vì thế, trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng này, Tổng cục thủy sản tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư vào ngành hàng nhuyễn thể; tăng cường chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ trong nước sẽ giữ vững cơ cấu các thị trường xuất khẩu nhuyễn thể truyền thống và mở rộng thị trường khác; chủ động các hoạt động xúc tiến thương mại và thúc đẩy hội nhập với khu vực ASEAN và với Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh
Bình luận