Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ ba, 28/03/2023 13:03
TMO - Tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt 30%.
Tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên 460.869 ha; trong đó đất lâm nghiệp 332.813 ha, chiếm trên 72%; lao động nông - lâm nghiệp 391.500 người, chiếm trên 71% tổng số lao động. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Hiện, ngành nông nghiệp của tỉnh duy trì ổn định ở mức 36 nghìn ha lúa, 40 nghìn ha ngô, 11,5 nghìn ha rau đậu, 7.500-8.000 ha mía, hơn 9,5 nghìn ha cây ăn quả có múi. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền.
Đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 715 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; cơ quan chuyên môn đã thực hiện hỗ trợ 160 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... đồng thời 84 cơ sở được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và duy trì thương hiệu cho 38 sản phẩm chủ lực của tỉnh; duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn; triển khai dán trên 8 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm.
Chế biến nông sản tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đây là những điều kiện quan trọng để phát triển nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Đến nay, các nông sản chủ lực, lợi thế của tỉnh như: gạo chất lượng cao, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), cây mía (mía ăn tươi), gia súc (trâu, bò, dê, lợn), gia cầm (gà), cá nuôi lồng,… đã từng bước phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, tạo ra sản lượng lớn và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như sắn, chè, mía, chuối... mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Năm 2022, toàn tỉnh đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu thành công ra thế giới với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92% so với năm 2021.
Ðể tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/9/2021 về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nhiều chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, chính sách phát triển làng nghề truyền thống. Địa phương này phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt 30%; cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xu hướng xuất khẩu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản là mục tiêu quan trọng mà địa phương này hướng tới.
Với mục tiêu nâng cao giá trị nông, lâm sản, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giảm áp lực thời vụ, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Đến nay, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Trong đó, có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 3 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân đạt 10,5%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 15%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến nông nghiệp chiếm 15,8%; Tập trung phát triển và thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 749,9 triệu USD, tăng 25,59%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 635 triệu USD, tăng 29,52%
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân đạt 9%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế; Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn theo chiều sâu các lĩnh vực chủ yếu cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Để có nguồn nguyên liệu đảm bảo phục vụ cho công nghiệp chế biến, ngành nông nghiệp luôn xác định mục tiêu sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại cũng như quản lý chất lượng chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, gắn kết phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Nam
Bình luận