Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ năm, 12/05/2022 12:05
TMO - Để nâng cao giá trị từ rừng, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập kế hoạch trồng mới rừng gỗ lớn 2.000ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000ha. Loại giống sử dụng chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai...; và các loại giống cây sinh trưởng chậm như trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu,...
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền địa phương và người trồng rừng đang tích cực chuyển hoá rừng sản xuất gỗ nhỏ ngắn ngày sang phát triển rừng gỗ lớn, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC… nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Lực lượng kiểm lâm các địa phương tăng cường tuần tra, bảo vệ diện tích rừng
Xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) hiện có hơn 4.000ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50 - 70 tỷ đồng. Đặc biệt, Văn Hán là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn để triển khai thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Đến thời điểm hiện tại đã có gần 1.000 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích 1.440ha. Đây là bước tiến quan trọng cho những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng tại Văn Hán đạt tiêu chuẩn quốc tế, vươn ra thị trường thế giới, và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tại huyện Đồng Hỷ diện tích trồng mới rừng gỗ lớn đạt gần 200ha với các loại cây keo, giổi xanh, trám,…và người dân đang tích cực chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ chu kỳ ngắn sang phát triển rừng gỗ lớn. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới ít nhất 120ha rừng gỗ lớn và đẩy mạnh việc thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Các địa phương chuẩn bị giống cây chất lượng đảm bảo cho vụ trồng rừng mới, thay thế các loại cây gỗ nhỏ bằng trồng cây gỗ lớn
Không chỉ riêng huyện Đồng Hỷ, người dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai… cũng đang tích cực phát triển rừng gỗ lớn, với diện tích trồng mới đạt gần 700ha, và hàng trăm héc ta do người dân chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2022 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860 ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo, mỡ, quế, giổi xanh... Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn trên cơ sở chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
Trong năm 2022, Thái Nguyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản.
Những cánh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định
Thái Nguyên triển khai mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp.
Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Để nhân rộng mô hình này, cần tăng cường các nguồn lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.
Minh Thùy
Bình luận