Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 08:01
Thứ bảy, 13/04/2024 13:04
TMO - Quy hoạch vùng Tây Nguyên cần đổi mới tư duy trong huy động nguồn lực thông qua các đột phá về cơ chế, chính sách. Đặc biệt là nguồn lực phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đất đai.
Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Quy hoạch vùng Tây Nguyên là một quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, trong bối cảnh lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Để sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, tại Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Chính phủ yêu cầu xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng an ninh và đối ngoại. Vì vậy, Quy hoạch cần đổi mới tư duy trong huy động nguồn lực thông qua các đột phá về cơ chế, chính sách. Đặc biệt là nguồn lực phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đất đai…
Quy hoạch vùng trước tiên cần nghiên cứu, kế thừa phát huy những kết quả, ưu điểm của các quy hoạch trước đây, đồng thời phải khắc phục được những điểm nghẽn, hạn chế. Vì vậy, Quy hoạch vùng phải xác định rõ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để có giải pháp hóa giải những hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể mang tính đột phá để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại quy hoạch vùng.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh thế mạnh là kinh tế cửa khẩu, vùng Tây Nguyên có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế như: du lịch gắn với văn hóa bản sắc dân tộc, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite… Tuy nhiên, các quy hoạch còn thiếu liên kết, chưa đồng bộ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Quy hoạch vùng cần nghiên cứu, đưa ra các định hướng có tính liên kết các ngành, lĩnh vực của vùng, đặc biệt là các ngành có tiềm năng, lợi thế.
Đối với phát triển không gian giao thông, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cần ghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể để phát triển liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đảm bảo kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Về phân chia các tiểu vùng, cần rà soát, xác định rõ cơ sở, tiêu chí việc phân chia các vùng để bảo đảm được liên kết không gian các tiểu vùng; thúc đẩy, hỗ trợ phát triển của tiểu vùng và toàn vùng.
Về văn hóa, du lịch, cần nghiên cứu, phát triển theo hướng phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, tạo thương hiệu cho du lịch vùng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của vùng. Về y tế, giáo dục, cần nghiên cứu các giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục. Trong đó, nghiên cứu đầu tư trường học chất lượng cao, tăng cường xây dựng trường nội trú; nghiên cứu xây dựng bệnh viện cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng tại Tây Nguyên.
Đối với nông nghiệp, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần nghiên cứu, bổ sung các giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp, cây dược liệu bảo đảm môi trường gắn với công nghiệp chế biến. Xác định rõ tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, các sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite. Trên cơ sở rà soát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt ngay trong tháng 4/2024.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên khoảng trên 54.000 km2 chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước. Tây Nguyên là vùng cao nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, phía Tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia). Trong khi Kon Tum có biên giới phía tây giáp với cả Lào và Campuchia, thì Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông chỉ có chung đường biên giới với Campuchia. Còn Lâm Đồng không có đường biên giới quốc tế.
ĐOÀN VINH
Bình luận