Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ tư, 02/08/2023 15:08
TMO - Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại các địa phương tỉnh Gia Lai đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Gia Lai là địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Gia Lai vốn được mệnh danh là thủ phủ của các mặt hàng nông sản ở khu vực Tây Nguyên. Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, ổn định bền vững diện tích cây trồng, giữ vững thị trường…nhiều đơn vị, tổ chức đã tìm kiếm con đường phát triển bằng nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. Những mô hình này đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn trong bối cảnh ngành nông nghiệp có nhiều biến động.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 318 hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 504 tổ hợp tác và 2 liên hiệp hợp tác xã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cùng mức lãi bình quân đạt từ 30 - 400 triệu đồng/năm. Qua đó đã tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đem lại lợi ích cho thành viên. Gia Lai có số lượng thành viên hợp tác xã lớn với hơn 18.163 người, 2 liên hiệp hợp tác xã với 9 hợp tác xã thành viên cùng trên 4.435 thành viên tổ hợp tác. Thu nhập bình quân của lao động trong các lĩnh vực này cũng tương đối cao, khoảng 38 triệu đồng/tháng đối với thành viên hợp tác xã; 400 triệu đồng/năm đối với liên hiệp hợp tác xã.
Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh được chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: ĐD.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ thủy lợi; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chăn nuôi gia súc; trồng và chăm sóc hồ tiêu, cà phê, sâm, các loại cây ăn quả... Phần lớn HTX hoạt động ổn định, giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong lĩnh vực này là HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (huyện Mang Yang), HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện)…
Cùng với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đã thúc đẩy kinh tế hợp tác của tỉnh có bước phát triển, nội dung phương thức hoạt động HTX từng bước được đổi mới, đa dạng về ngành nghề và quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh. Liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, hộ thành viên trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm từng bước hình thành. Kinh tế tập thể, HTX là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các HTX đã thể hiện được vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, tạo được niềm tin cho thành viên. Nhiều HTX nông nghiệp đã giảm được chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Việc liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản) đã có sự chuyển biến tích cực. Phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngày càng hoạt động có hiệu quả và được các cấp, các ngành chú trọng, tạo điều kiện phát triển. Đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung và có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ảnh: HĐ.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 136.604 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đối tượng tham gia liên kết gồm 81 HTX, 72 tổ hợp tác (THT) với trên 22.663 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi tham gia liên kết. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 32 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 10,4% tổng số HTX nông nghiệp), như: Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản lạnh nhanh, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng dây chuyền chế biến, đóng gói, sử dụng phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán,.... Trong thời gian tới, tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ công nghệ… để tăng chất lượng, giá trị kinh tế và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích…
Đối với các HTX nông nghiệp, việc thực hiện một số chính sách đặc thù, nhất là chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 122 dự án liên kết đã được thẩm định, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện với tổng kinh phí gần 289 tỷ đồng.
Mặc dù tình hình phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có bước tiến triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng nhưng vẫn tồn tại các hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, thiếu tính ổn định, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, phương thức hoạt động kinh doanh chưa phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường. Việc chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Các hợp tác xã hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ đầu vào, số hợp tác xã làm dịch vụ đầu ra còn hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn trên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phát triển. Nhờ đó, thời gian qua, đã khuyến khích được nhiều hợp tác xã chủ động gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 8 sản phẩm của 4 hợp tác xã được chứng nhận OCOP 4 sao (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") và 24 sản phẩm của 15 hợp tác xã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hợp tác xã phát triển như: cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cán bộ hợp tác xã đi đào tạo, học tập; hỗ trợ cho trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, được hưởng lương từ nguồn ngân sách... Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ thông tin, thủ tục cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập mới hợp tác xã và phương án sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã. Tỉnh cũng đã ưu tiên nhiều chương trình cho vay vốn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Trong năm 2023, tỉnh Gia Lai tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã hiện có. Mục tiêu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 390 hợp tác xã với 18.257 thành viên, 529 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp hợp tác xã với 13 hợp tác xã thành viên. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai tập trung phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác có chất lượng với tỷ lệ cán bộ quản lý tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 34% trên tổng số cán bộ quản lý; khoảng 48% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023 cả tỉnh có trên 8,8 % hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 31% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cũng kiên quyết thực hiện giải thể dứt điểm các hợp tác xã ngưng hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa giải thể thuộc diện vướng mắc có thể xử lý được.
Minh Thu
Bình luận