Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ hai, 18/04/2022 20:04
TMO - Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển rừng theo hướng bền vững, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC...
Tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 180.000 ha đất lâm nghiệp. Với lợi thế này, việc triển khai trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ có hơn 4.000 ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600 ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50- 70 tỷ đồng. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, chính quyền địa phương đang tích cực vận động, tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng gỗ lớn, để nâng cao giá trị rừng trồng và được người dân đồng tình ủng hộ.
Xã Văn Hán hiện có diện tích rừng lớn nhất huyện Đồng Hỷ
Đặc biệt, Văn Hán là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn để triển khai thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Đến thời điểm hiện tại đã có gần 1.000 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích 1.440 ha. Đây là bước đi quan trọng để mai sau những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng tại Văn Hán đạt tiêu chuẩn quốc tế, vươn ra thị trường thế giới, và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng mới rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Hỷ đạt gần 200 ha với các loại cây keo, giổi xanh, trám,…và người dân đang tích cực chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ chu kỳ ngắn sang phát triển rừng gỗ lớn. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới ít nhất 120 ha rừng gỗ lớn và đẩy mạnh việc thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Không riêng huyện Đồng Hỷ, các địa phương tại tỉnh Thái Nguyên như: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương… cũng đang tích cực phát triển rừng gỗ lớn, với diện tích trồng mới đạt gần 700 ha, và hàng trăm héc ta do người dân chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn.
Đối với huyện Phú Lương, năm 2021, huyện đã trồng 80ha rừng gỗ lớn. Để chương trình trồng rừng đạt kết quả cao, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rừng theo đúng mật độ, khoảng cách, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng 3.700 ha rừng tập trung, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860 ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo, mỡ, quế, giổi xanh,...
Lực lượng kiểm lâm các địa phương chú trọng đến công tác kiểm tra độ phát triển của cây gỗ lớn sau quá trình trồng
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn trên cơ sở chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng. Cây keo với đặc tính sinh trưởng nhanh, có thể đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu gỗ công nghiệp đang được người dân trồng nhiều. Bên cạnh đó, các địa phương cũng dần kết hợp trồng rừng gỗ lớn với các loài cây bản địa như: giổi xanh, chò chỉ, trám,…
Để nâng cao giá trị từ rừng, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Loại giống sử dụng chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai...; và các loại giống cây sinh trưởng chậm như: trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu,...
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.437,5 tỷ đồng, trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng.
Đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt 10.918,5 tỷ đồng; trong đó, từ sản phẩm gỗ lớn đạt 7.168,5 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ.
Trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Để nhân rộng mô hình này, cần tăng cường các nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển rừng gỗ lớn.
Lê Kiên
Bình luận