Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ bảy, 22/01/2022 21:01
TMO - Tỉnh Hòa Bình hiện có 298.013 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 64,66% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đó là tiềm năng và cơ hội để tỉnh phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, gồm: giá trị cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường, dịch vụ lưu trữ, hấp thụ các bon và du lịch sinh thái.
Thời gian qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; ý thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng, trồng mới rừng ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới và trồng rừng sau khai thác bình quân đạt từ 6.000 - 7.000 ha. Nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng (KTDTR) mang lại hiệu quả cao như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.
Toàn tỉnh có khoảng 225.468,4 ha rừng (gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) có thể phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Người dân tập trung trồng một số cây như: Sa nhân, ba kích, hà thủ ô, đinh lăng, nghệ đen, sâm cát, hương nhu, lá dong. Một số HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các hộ dân thu mua dược liệu, đầu tư máy móc, chuẩn hóa quy trình sản xuất, liên kết quảng bá để xây dựng phát triển các thương hiệu từ thảo dược.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng về hệ sinh thái rừng cùng sự độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông…, một số địa phương đã khai thác tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử và văn hóa tâm linh. Một số địa điểm du lịch cộng đồng tại xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu); Đá Bia, Hiền Lương, xóm Sưng (Đà Bắc) tổ chức cho du khách trải nghiệm, khám phá những khu rừng nguyên sinh hùng vĩ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh tập trung phát triển rừng sản xuất gỗ lớn. Nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển rừng sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của rừng sản xuất, tạo tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn cần phải đầu tư thâm canh, kéo dài chu kỳ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất bằng việc sử dụng cây giống chất lượng cao; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng...
Với diện tích quy hoạch rừng sản xuất lớn sẽ có nhiều dư địa để phát triển KTDTR. Khi kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn trên 10 năm người dân sẽ có điều kiện để phát triển KTDTR như trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, cây nông nghiệp, chăn nuôi…Tận dụng tán rừng để phát triển kinh tế giúp bà con có nguồn sinh kế thay thế, có thu nhập khi rừng chưa được khai thác, đồng thời giảm công sức, chi phí đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả KTDTR cần phải lựa chọn các loài cây, con nuôi trồng dưới tán rừng phù hợp đặc tính sinh thái của loài. Thí điểm xây dựng các mô hình phát triển KTDTR đem lại hiệu quả cao để nhân rộng. Tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể, khoa học về thực trạng phân bố các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu giá trị cao dưới tán rừng để đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ.
Vũ Bình
Bình luận