Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 11/06/2022 05:06
TMO - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, cũng với việc đẩy mạnh khai thác lợi thế trong phát triển kinh tế-xã hội, việc chú trọng công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cần phải được chú trọng, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Vùng biển Việt Nam được coi là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu.
Đến nay, ở biển Việt Nam sơ bộ ghi nhận có hơn 20 kiểu hệ sinh thái khác nhau với một số hệ sinh thái điển hình, như hệ sinh thái cửa sông ven biển, hệ sinh thái bãi bồi, vùng triều, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô. Hệ sinh thái cửa sông ven biển đã xác định được 77 loài thực vật ngập mặn, 150 - 280 loài thực vật phù du, 40 - 180 loài động vật phù du, trên 400 loài động vật đáy, 14 loài cỏ biển, 615 loài cá biển.
Vùng biển Việt Nam sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú với tiềm năng lớn trong phát triển các ngành kinh tế biển
Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: Nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và khoáng sản lỏng... Các vùng biển, đảo Việt Nam được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng với hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là nguồn tiềm năng lớn để Việt Nam đa dạng hoạt động kinh tế biển.
Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực có biển được đầu tư đã kết nối và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Trong đó nổi bật là các hoạt động như: Kinh tế hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng hải sản; khai thác dầu khí ngoài khơi; du lịch biển; làm muối; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn... và các hoạt động kinh tế không diễn ra trên biển nhưng liên quan trực tiếp đến khai thác biển như đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp chế biến thủy sản; cung cấp dịch vụ biển; nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển...
Tuy nhiên, tài nguyên biển đảo đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững. Đáng lo ngại ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển.
Các địa phương tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển. Ảnh: Trương Sơn
Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh để tiến tới kinh tế biển xanh, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao tiềm năng cho hoạt động kinh tế (du lịch biển, thủy sản, năng lượng tái tạo...), xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại các vùng biển đảo trong phát triển kinh tế biển bền vững, các chuyên gia khuyến nghị các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học.
Mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế
Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật quản lý Nhà nước về biển, đảo; kiện toàn tổ chức nhằm hiện thực hóa nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo
Thực hiện tốt quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, nhằm bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, sẽ tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường biển, tránh lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng…
Minh Phương
Bình luận