Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 06:01
Thứ tư, 27/07/2022 21:07
TMO - Sự phát triển của 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam; quy mô kinh tế của vùng đứng thứ hai trong 6 vùng của cả nước.Tuy nhiên, Đồng bằng sông Hồng chưa khai thác hết tiềm năng do liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế.
Tại Hội thảo Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp Tỉnh ủy Nam Định, Bộ Giao thông vận tải cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hiện có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 8 tuyến cao tốc, chiều dài 496 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội); 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066 km; 6 tuyến đường sắt quốc gia; 37 tuyến đường thủy nội địa; 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế.
Dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Các ý kiến cho rằng cơ sở hạ tầng vùng ĐBSH tuy đã được chú trọng đầu tư phát triển khá tốt so với các vùng trong cả nước, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển trong Vùng vẫn thuộc loại yếu về chất lượng, lạc hậu về công nghệ, đặc biệt là tính kết nối giữa các địa phương và hệ thống vận tải đa phương thức còn rất hạn chế.
Hệ thống cảng biển thiếu cầu bến cho tàu có trọng tải lớn, đặc biệt là các bãi, bến cho tàu container vận hành trên các tuyến biển xa; hạ tầng sau cảng như: Hệ thống điện, nước và kết nối đường giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không trong vùng và kết nối với mạng quốc gia... chưa đáp ứng yêu cầu để hệ thống logistics phát triển; hệ thống kho bãi, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, sàn giao dịch vận tải và dịch vụ logistics trong vùng còn nhiều bất cập cả về không gian, công nghệ, tính đồng bộ và liên thông.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH cần đẩy mạnh liên kết đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có ngành dịch vụ logistic. Ảnh: Hồng Phong
Theo Bộ Công Thương, để đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, sớm hoàn thành các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 bám sát Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, bảo đảm cân đối vùng, địa phương và phù hợp với các Quy hoạch cấp quốc gia, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, chiến lược phát triển vùng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không) và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp bảo đảm kết nối đồng bộ, thuận tiện cho lưu thông, trao đổi hàng hóa.
Cùng với đó, chủ động thiết lập quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, xuyên quốc gia có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ và quản trị, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; thu hút các doanh nghiệp logistics hàng đầu quốc tế đầu tư vào phát triển hạ tầng logistic, góp phần đưa vùng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế biển tại vùng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 05 tỉnh thành phố có biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Vùng biển, ven biển của đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái biển và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực.
Không gian kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động với các mục đích khác nhau, từ quốc phòng, an ninh đến hoạt động phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ, bảo tồn giá trị tự nhiên, tài nguyên, sinh thái biển. Phát triển bền vững không gian biển là chủ trương, định hướng lớn và trọng tâm của Đảng đối với việc khai thác, sử dụng không gian biển và phát triển các ngành kinh tế biển.
Theo đó, Quy hoạch không gian biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, làm cơ sở cho phát triển bền vững vùng biển đồng bằng sông Hồng nói riêng, hài hòa, thống nhất với không gian biển của cả nước nói chung, góp phần thực hiện thành công 3 trụ cột của quá trình phát triển bền vững là tăng trưởng cao, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường biển, sức khỏe của biển cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Phát triển kinh tế biển vùng ĐBSH cần dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bao gồm quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Không gian kinh tế biển vùng ĐBSH cho phép các địa phương phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển
Để phát triển bền vững kinh tế biển vùng ĐBSH, trong giai đoạn đến năm 2045, cần tiếp tục xây dựng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển; Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
Phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng. Phát triển kinh tế biển vùng nam ĐBSH cần được kết nối không gian với trung tâm phát triển kinh tế ở tiểu vùng Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Đông - Tây với các tuyến kinh tế trọng điểm ở Bắc Trung Bộ.
Để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển, vùng ĐBSH cần phát triển các nguồn lực tài chính. Theo đó, khu vực này cần nắm bắt các xu hướng phát triển thị trường tài chính thế giới; bám sát các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính về phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, chú trọng những yếu tố đặc thù của vùng để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, phát triển bền vững các nguồn lực tài chính, chú trọng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tài chính số và tài chính xanh, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính khu vực và toàn cầu; phù hợp với điều kiện tài chính của địa bàn.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần đẩy mạnh liên kết trong vùng, liên vùng, nhất là liên kết toàn diện trên tất cả lĩnh vực, tập trung vào xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và kinh tế biển. Các tỉnh, thành phố trong vùng quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch vùng; thực hiện hiệu quả các liên kết vùng trong các lĩnh vực: xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; bảo vệ môi trường; khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển.
Lan Anh
Bình luận