Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ tư, 21/06/2023 14:06
TMO - Từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 594 công trình thủy lợi đang được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó, Ban Quản lý- Khai thác các công trình thủy lợi quản lý, vận hành 178 công trình; số còn lại được giao cho cấp huyện quản lý, khai thác. Trong số đó, có những công trình lớn như hồ Đăk Uy (huyện Đăk Hà) có dung tích 29,7 triệu m3 nước; các hồ Đăk Yên (thành phố Kon Tum), Đăk Loh (huyện Đăk Hà), Đăk Rơn Ga (huyện Đăk Tô) có dung tích từ 3-10 triệu m3. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hàng nghìn km kênh mương được đầu tư bài bản, hệ thống tiểu thủy nông đảm bảo việc dẫn nước đến các khu sản xuất, phục vụ nhu cầu tưới của người dân.
Năm 2023, các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 22.369,02ha cây trồng, các công trình tiểu thủy nông, lòng hồ thủy điện và công trình tạm cũng đảm bảo tưới cho 24.773,22ha; tăng khoảng 2.000ha so với năm 2020. Các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới gần 77,2% so diện tích cây trồng cần tưới của toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh vẫn còn khoảng có 13.745ha có nhu cầu tưới. Do đó, để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, nhất là tiềm năng ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển cây ăn quả, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2021-2025.
Hệ thống thủy lợi nội đồng giữ vai trò quan trọng trong điều tiết, phân bổ nguồn nước phục vụ sản xuất nhất là trong mùa khô. Ảnh: ĐT.
Cùng với mục tiêu điều tiết, phân bổ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn phát huy vai trò trong phòng chống thiên tai. Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, trước mùa mưa lũ toàn tỉnh có 27 hồ chứa, 14 đập thủy lợi, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, hư hỏng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, trong mùa mưa lũ năm nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, khoảng từ 3- 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Kon Tum gây mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng dẫn đến lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Do đó, để chủ động đối phó với mưa, lũ cực đoan, bão, áp thấp nhiệt đới, từ cuối mùa khô, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, các địa phương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc Ban Quản lý- Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ, đập, chủ động ứng phó thiên tai năm 2023 nhằm chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống bất thường do thiên tai gây ra.
Theo đó, các đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý; sửa chữa, gia cố, bảo vệ các công trình nhằm tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Đến thời điểm hiện tại, 65 hồ chứa, 12 đập dâng thuộc diện quản lý an toàn và Hồ cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla đã kê khai và thực hiện đăng ký an toàn đập; xây dựng quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa và quy trình bảo trì cho từng hạng mục công trình đập, hồ chứa; 14 hồ chứa quy mô lớn và 1 đập dâng lớn đã lập quy trình vận hành cửa van hồ chứa. 27/77 công trình nằm trong danh mục quy định đã tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; 19/48 công trình phải cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình đã thực hiện cắm mốc.
Công tác kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn hồ, đập...trước mùa mưa lũ được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: PN.
Hướng tới mục tiêu phát triển, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu trong đó không chỉ đảm bảo cho sản xuất phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò trong phòng chống thiên tai, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum thực hiện đầu tư xây dựng mới 165 công trình thủy lợi trên với tổng diện tích tưới thiết kế là 6.463,5ha; trong đó, diện tích tưới cho lúa 2 vụ là 3.635,5ha, cây công nghiệp là 2.500ha, cây trồng khác là 328ha và cấp nước sinh hoạt cho 19.700 nhân khẩu.
Hiện tại, có 3 công trình đã đầu tư xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023 gồm: Hồ chứa lợi Đăk Long 1 (huyện Ngọc Hồi) với diện tích tưới 160ha, Cụm công trình thuỷ lợi huyện Ia H'Drai với diện tích tưới 1.000ha; công trình hồ chứa nước Đăk Pokei với diện tích tưới 2.000ha cho huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum. Ngoài ra, có 2 dự án đã có nguồn vốn, chuẩn bị thực hiện gồm công trình hồ chứa Đăk Rô Gia và Ya Tun (huyện Đăk Tô) và thủy lợi Kon Braih 3 (huyện Kon Plông) cung cấp nước tưới cho khoảng 2.200ha đất sản xuất. Đồng thời, tiến hành tư sửa chữa 253 công trình thủy lợi với tổng diện tích tưới thiết kế 10.553ha; trong đó, lúa 2 vụ 4.778ha, cây công nghiệp 4.057ha, cây trồng khác 1.718ha và cấp nước sinh hoạt cho 13.000 nhân khẩu.
Với nhiệm vụ đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm nay, tỉnh Kon Tum tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa đối với 3 công trình thủy lợi. Cụ thể, 3 công trình thủy lợi vừa được UBND tỉnh Kon Tum quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Dự án sửa chữa đập Đăk Tua, Đăk Leng tại xã Hiếu và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; Dự án sửa chữa đập Đăk Ka Well tại xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum và Dự án sửa chữa đập Đăk Grấp tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Tổng mức đầu tư sửa chữa 3 đập thủy lợi là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng năm 2022. Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định phân bổ nguồn kinh phí 30 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi.
Phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu được nhấn mạnh trong Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xác định rõ các quan điểm, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể để củng cố, phát triển hạ tầng thủy lợi. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế.
Củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống công trình ngăn lũ, thoát lũ, phòng chống sạt lở nhằm chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên. Các khó khăn, thách thức đối với ngành thủy lợi sẽ ngày càng gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu, áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước...
T. Hương
Bình luận