Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 13/04/2022 19:04
TMO - Với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, chủ yếu là rừng nguyên sinh cùng loài động thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta với hàng ngàn loài động thực vật sở hữu nguồn gen cực kỳ quý hiếm.
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại VQG Bidoup-Núi Bà, các chuyên gia nhận định: Đây là khu vực nằm rong vùng tam giác phát triển du lịch của Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 3 trung tâm du lịch lớn TP Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Nha Trang.
VQG Bidoup-Núi Bà là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam
Khu vực này có nhiều cảnh quan tươi đẹp, có sông (Đa Nhim, Serepok), có núi (Lang Biang, Bidoup), các thác nước, hệ các đỉnh cao dễ tiếp cận; khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, giàu tài nguyên nhân văn (phong tục tập quán người K’Ho bản địa, sự thanh lịch mến khách của người Đà Lạt, giá trị văn hóa hội tụ từ nhiều vùng miền của các cư dân đến lập nghiệp).
Ở Việt Nam, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có diện tích 70.000 ha thuộc khu dự trữ sinh quyển LangBiang, là một trong năm Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ các kiểu rừng thưa lá kim đến rừng kín thường xanh, từ rừng lá kim á nhiệt đới đến rừng hỗn giao và rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… với thế giới động thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc.
VQG Bidoup-Núi Bà có 3 trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam, Ảnh Andy Nguyễn
Sự khác biệt đặc biệt với các vườn quốc gia khác là các giá trị được quốc tế công nhận: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trong hệ thống các công viên quốc gia toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, Không gian văn hóa cồng chiêng, di sản Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận, là Vườn di sản ASEAN, là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu quốc tế.
Nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị trên, tỉnh Lâm Đồng tham gia thực hiện Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Bộ NN&PTNT trong thời gian từ 2021 - 2025. Mục tiêu của Hợp phần là góp phần duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và giữ ổn định số lượng quần thể các loài hoang dã ở các Vườn Quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Mới đây, tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giai đoạn 2021 – 2030 đã chỉ ra mục tiêu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Du khách chiêm ngưỡng đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà
Theo đó, sẽ xây dựng 12 tuyến du lịch nội vùng; trong đó, chỉ rõ 4 tuyến ưu tiên phát triển gồm: Leo núi chinh phục đỉnh Bidoup, khám phá sông Đa Nhim, du lịch bãi cắm trại – Liêng Kar – Đưng Lar Giêng – Trung tâm du khách, Cổng Trời – Thác Cổng Trời – thác Pằm Pài – Đa Sar – thị trấn Lạc Dương. Xác định cụ thể 16 điểm du lịch sinh thái; xác định khu vực hạn chế du lịch sinh thái gần 43.112 ha (gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái) và khu vực tổ chức du lịch sinh thái gần 24.270 ha.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một xu thế của sự phát triển, gắn kết bảo tồn với phát triển nhằm góp phần tạo nguồn tài chính bền vững phục vụ cho công tác bảo tồn.
Hiện nay, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đang gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.
Vườn cũng bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hoá bản địa nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây nguyên.
Hà Lê
Bình luận