Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 08/11/2022 02:11
TMO - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cảng và dịch vụ cảng trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh đã ký văn bản số 4823/KH-UBND, về việc, ban hành kế hoạch triển khai thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mục đích việc thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, huy động tối đa nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Theo đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích là 439 km2; với ranh giới dự kiến gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam (gồm xã Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm) và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước (gồm xã An Hải và Phước Hải).
Khu kinh tế ven biển này hướng đến việc tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước; qua đó, khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cảng tổng hợp Cà Ná dự kiến điều chỉnh thành cảng tổng hợp loại I. Ảnh: BTN
Về quy trình và tiến độ, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc xây dựng phương án phát triển khu kinh tế ven biển phía Nam được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian hoàn thành theo tiến độ quy hoạch của tỉnh. Cụ thể, xây dựng đề án điều chỉnh cảng tổng hợp Cà Ná thành cảng tổng hợp loại I, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời xây dựng đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nội dung đề án. Ninh Thuận sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025.
Để xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam trong thời gian tới, về quy hoạch, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì lập Đồ án Quy hoạch phân khu Tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung Trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná với quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Sở GTVT chủ trì, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cảng cạn; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Cà Ná. Về giao thông, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 (các bến 1A và 1B) vào năm 2024; đường liên vùng từ Thị trấn Tân Sơn đi Tà Năng huyện Đức Trọng - Lâm Đồng; tuyến đường kết nối Cảng Cà Ná với cao tốc Bắc Nam; cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh; xúc tiến kêu gọi đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná mới đến Cảng Tổng hợp Cà Ná.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu đẩy nhanh tiến độ công bố hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 (dự kiến trong tháng 11/2022); lập Đồ án Quy hoạch phân khu Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná quy mô 100.000 m3 (hoàn thành trong tháng 12/2022). Ngoài ra, giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về bổ sung Cụm công nghiệp Phước Minh 1 (75 ha), Cụm công nghiệp Phước Minh 2 (26 ha) vào Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những lợi thế, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch triển khai thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam. Ảnh: Trung Vũ
Khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận (bao gồm 7 xã của huyện Thuận Nam và 2 xã của huyện Ninh Phước) là khu vực cửa ngõ của tỉnh tiếp giáp với khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam của cả nước; có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, sắp tới là tuyến đường bộ cao tốc Cam Ranh (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) ngang qua địa bàn, có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp (Mũi Dinh, Cà Ná, Hòn Cò,…).
Đồng thời, khu kinh tế này còn có Cảng nước sâu Cà Ná được quy hoạch nhóm cảng biển Nam Trung bộ với quy mô cảng tổng hợp địa phương loại II, Công suất thiết kế 3,3 triệu, có thể đón tàu 100.000 tấn đang triển khai xây dựng sẽ tạo thuận lợi về giao thông nên có điều kiện trong kết nối để phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong tỉnh, vùng, với cả nước và trong khu vực. Đặc biệt, với chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh sẽ tạo cho khu vực một vị thế, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thời kỳ mới.
Để khai thác tối ưu các lợi thế, tiềm năng sẵn có, tỉnh Ninh Thuận còn hình thành và phát triển không gian trong khu vực trọng điểm phía Nam theo 4 tiểu vùng gồm: Tiểu thứ nhất là tiểu vùng công nghiệp – năng lượng – cảng biển nằm trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và xã Phước Diêm, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ; Năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG); Cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic; Cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná.
Thứ hai là Tiểu vùng Du lịch - Dịch vụ phụ trợ nằm trên địa bàn xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển. Tiểu vùng thứ ba là Nông nghiệp Công nghệ cao tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải. Cuối cùng là Tiểu vùng bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh và 1 phần xã Cà Ná, tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Nguyễn Lâm
Bình luận