Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ tư, 22/03/2023 04:03
TMO - Tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị Việt Nam trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp chính quyền Trung ương và địa phương đẩy mạnh triển khai.
Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Thành phố trung tâm cấp vùng như Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ... Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa có thể tạo ra những thách thức, hệ lụy lớn cho phát triển bền vững nếu không có quy hoạch khoa học. Việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh chóng đã làm gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp không được xử lý, hệ thống thoát nước không được tốt. Ô nhiễm không khí cũng ngày càng tăng gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam còn đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu. Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều đô thị có nguy cơ ngập cao. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với các đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có một số đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất mạnh.
Đô thị Việt Nam đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ảnh: TTX
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Thực tế trên nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên triển khai. Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh tới mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất…
Trong đó, giai đoạn I (2021 - 2025), thực hiện tại 5 đô thị gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Giai đoạn II (2026 - 2030), thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu. Giai đoạn sau năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiệnNghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ các nhiệm vụ cần được triển khai trong thời gian tới bao gồm: Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành các Chương trình về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị ở cấp quốc gia, tỉnh và từng đô thị nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW đối với tỉnh, từng đô thị để thống nhất rà soát, lập chương trình phát triển đô thị để thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị;
Xây dựng lộ trình và giải pháp khả thi hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn. Xây dựng đồng bộ về hạ tầng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường tại đô thị. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị với việc thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn theo hướng tối đa hóa giá trị của chất thải, lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tập trung vào các hoạt động huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cũng như đa dạng hóa nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế đóng vai trò quan trọng để khuyến khích hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, cải thiện công nghệ tái chế, thân thiện môi trường trong quản lý chất thải. Khuyến khích các đô thị quy hoạch và xây dựng các điểm thu gom, phân loại rác thải trong đô thị và khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
Đề xuất các biện pháp kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí thông qua triển khai heo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các nhiệm vụ đã được phân giao theo Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025; huy động các nguồn lực lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải tại khu vực sản xuất tập trung, khu dân cư và nút giao thông đô thị.
Bờ kè sông Thốt Nốt (TP Cần Thơ) xây dựng hoàn thành, hạn chế tình trạng sạt lở, ứng phó BĐKH, vừa góp phần phát triển đô thị. Ảnh: HV.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, dự án xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đô thị thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Tại Nghệ An, địa phương này đã phê duyệt dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh" với tổng mức đầu tư hơn 4.502 tỷ đồng, dự án do Ủy ban nhân dân thành phố Vinh làm chủ đầu tư hướng tới mục tiêu giảm thiểu rủi ro ngập úng tại khu vực đô thị chính và tăng cường khả năng quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Vinh.
Bên cạnh đó, sẽ làm giảm ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố thông qua các hoạt động cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Cải thiện điều kiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải tạo, nâng cấp sông Vinh và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đồng thời, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Vinh. Góp phần phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An.
Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề về phòng chống lũ lụt, thoát nước đô thị; cải thiện môi trường, không khí; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường nước của thành phố Sơn La, hướng tới chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo tiền đề cho phát triển đô thị xanh, nhanh và bền vững trong tương lai.
Đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, thoát lũ thông qua suối Nậm La; tăng cường năng lực thoát nước của hệ thống hạ tầng, phòng chống ngập úng trong khu vực đô thị; bổ sung diện tích công viên, hồ điều hòa nhằm cải thiện môi trường không khí, nhiệt độ, góp phần tăng cường khả năng giữ nước, thoát nước tự nhiên, phòng chống ngập úng; nâng công suất, mở rộng phạm vi thu gom và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn 2 phường còn lại của thành phố Sơn La.
Hiện nay, thành phố Hà Tĩnh cũng đang tập trung cao thực hiện các phần việc chuẩn bị khởi động dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh. Đến nay, dự án đã được các bộ, ngành Trung ương có ý kiến thẩm định đề xuất dự án. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án. Dự án này được triển khai nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận bằng các giải pháp giảm thiểu ngập lụt, phát triển giao thông liên kết vùng và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Thu Thủy
Bình luận