Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ sáu, 03/02/2023 21:02
TMO - Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh.
Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng, thế mạnh rất lớn phát triển thủy sản, với 385km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió. Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 3.385 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, trong đó có 1.891 tàu khai thác vùng ven bờ, 753 tàu khai thác vùng lộng và 741 tàu hoạt động khai thác vùng khơi. Đối với lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản, toàn tỉnh có 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu.
Về cơ sở hậu cần nghề cá, Khánh Hòa 4 cảng cá, trong đó có 1 cảng cá loại II (cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ); 3 cảng cá loại III (cảng cá Đá Bạc, cảng cá Vĩnh Lương và cảng cá Đại Lãnh) cùng 3 khu neo đậu tránh trú bão gồm khu neo đậu Sông Tắc - Hòn Rớ, khu neo đậu vịnh Cam Ranh và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh ở xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.
Với những lợi thế trên, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến toàn tỉnh đạt 6%/năm; 100% cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Hình thành một số doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 - 725 triệu USD, tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.
Tỉnh Khánh Hòa có nhiều lợi thế trong khai thác thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. Ảnh: KS
Nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu trên, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh tới các nhiệm vụ: Kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản: Tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, cụ thể như sau:
Đối với nuôi trồng thủy sản, thời gian tới tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh, xã Ninh Lộc, xã Ninh Phú (Thị xã Ninh Hòa); phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ; Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi thủy sản đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; Triển khai xây dựng, nhân rộng các vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với hoạt động khai thác thủy sản, địa phương này chú trọng xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển; Tổ chức xây dựng lại các đội tàu khai thác thủy sản theo mô hình tổ, đội, tổ hợp tác xã gắn với dịch vụ hậu cần trên biển để khai thác thủy sản; Hỗ trợ các mô hình chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi; Tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cảng cá trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ tiếp nhận, bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm, thương mại sản phẩm khai thác để thu hút mạnh tàu cá từ các tỉnh tập kết, tiêu thụ hải sản.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản với việc xây dựng hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, các Trung tâm nghề cá lớn của cả nước; quy hoạch, hình thành, xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản; Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm chế biến thủy sản tập trung gắn với vùng nguyên liệu trọng điểm; sắp xếp lại các cơ sở chế biến thủy sản nội địa, chế biến nước mắm đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn về môi trường.
Tỉnh Khánh Hòa cũng tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản.
Hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, sản phẩm làm sẵn, ăn liền; Tổ chức điều tra, đánh giá quy mô, năng lực của một số công ty chế biến thủy sản lớn, có tiềm lực kinh tế để hỗ trợ phát triển quy mô và năng lực công nghệ gắn với chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, hình thành các doanh nghiệp mũi nhọn về chế biến thủy sản có trình độ công nghệ sản xuất và kinh doanh ngang tầm khu vực và thế giới; Đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa làm động lực thúc đẩy ngành chế biến thủy sản của vùng nói chung và tỉnh nói riêng. Trung tâm đổi mới sáng tạo trực tiếp tiến hành các nghiên cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển sản phẩm.
Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến; nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ phụ phẩm thủy sản trong tỉnh, cụ thể: Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thủy sản để tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh; tập trung chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao như Surimi, Sashimi, thủy sản tẩm bột, thủy sản chế biến gia nhiệt, thủy sản khô ăn liền,... phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Phát triển các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương, gồm các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản từng địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tạo lập, duy trì, giữ vững thương hiệu của sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của từng địa phương; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu thủy sản, khuyến khích nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm như: nguyên liệu làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, phân bón...
Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai. Trong đó, đối với thị trường xuất khẩu: Tỉnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và ưu tiên xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh như tôm hùm, tôm thẻ, cá biển, rong nho; Giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống của tỉnh như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN ... Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại, mở rộng vào các thị trường tiềm năng khác. Cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, rào cản kỹ thuật, thuế quan,... để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản làm căn cứ cho định hướng phát triển.
Tại thị trường tiêu thụ nội địa, Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mô hình phát triển sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm làm sẵn, ăn liền đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị và người tiêu dùng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm thủy sản của tỉnh, nhất là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương.
Mạnh Hải
Bình luận