Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 21/04/2022 13:04
TMO - Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển bền vững giá trị sinh học tại vùng đất ngập nước.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các vùng đất ngập nước chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, rừng ngập mặn ở Long Sơn, TP. Vũng Tàu và các ao đầm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu… Các vùng đất ngập nước này có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm.
Theo Sở TN&MT tỉnh, các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng trong duy trì đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển. Các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Các vùng đất ngập nước tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao
Đồng thời, khu vực này cũng thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch trong thời gian qua. Các dự án du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường tại các vùng đất ngập nước cũng nhận được nhiều sự quan tâm của du khách thích trải nghiêm, khám phá. Chính vì vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu coi việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu quan trọng.
Vùng quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000ha đất ngập nước, trong đó có khoảng hơn 2.000 vùng đất ngập nước mặn ven biển gồm các vịnh nông khi triều thấp, các khu vực bờ biển, ven biển có đá, vùng có rừng ngập mặn. Vùng đất ngập nước ở Côn Đảo có chức năng giữ nước ngọt cho đảo, chống lũ lụt, giúp ổn định đất ven bờ và kiểm soát lở đất.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện nay, đã ghi nhận có 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc có có mạch và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ là loại thú, loài chim, bò sát.
Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước nổi bật với hệ động thực vật phong phú tại tỉnh
Đồng thời, khu vực này còn là môi trường sống của 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển... Bên cạnh đó, vùng biển Côn Đảo còn là nơi phân bố phong phú của rùa biển. Trung bình mỗi năm có 507 cá thể rùa mẹ lên bãi biển Côn Đảo đẻ trứng và có khoảng 110.651 cá thể rùa con được thả về biển.
Tuy nhiên, vùng đất ngập nước này đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Trong đó, hoạt động khai thác cát ở các đồi ven hồ nước ngọt gây phá hủy thảm thực vật,làm giảm đi chức năng trữ nước ngọt.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phục hồi các vùng đất ngập nước như: trồng rừng ngập mặn; lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Địa phương này chú trọng đến công tác trồng mới, bảo vệ rừng ngập mặn để duy trì hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao
Triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; quan trắc môi trường nước biển định kỳ; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…
Ngoài ra, tỉnh tập trung rà soát, đánh giá để phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ về đất ngập nước.
Để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, nơi bị áp lực phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động sản xuất tự phát làm thu hẹp diện tích đất ngập nước. Đồng thời, kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo quy định cũng như hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị phối hợp thả rùa con về biển để giữ gìn đa dạng sinh học
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan có liên quan xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó, tập trung giám sát diễn biến đa dạng sinh học trong mối liên quan với tác động do biến đổi khí hậu gây nên. Từ đó, đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái biển, ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái đô thị.
Ngoài ra, xây dựng, triển khai kế hoạch trồng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, rạn san hô, thảm cỏ biển, bảo vệ diện tích rừng và số loài động, thực vật quý hiếm bị đe dọa trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và Vườn Quốc gia Côn Đảo…
Tố Uyên
Bình luận