Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 05:11
Thứ hai, 07/03/2022 20:03
TMO – Được ví là “thủ phủ” của lúa gạo, hoa màu, trái cây và nuôi trồng, đánh bắt chế biến thủy sản. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi của khí hậu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải thay đổi tư duy, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp mang tính bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ĐBSCL có thể phát triển được trong giai đoạn tới cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phát huy lợi thế của vùng đất màu mỡ này.
Theo đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổng hợp danh mục các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo an toàn trước các ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng, ngập mặn, đặc biệt tập trung vào vùng ven biển.
Nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) trồng rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong kết nối nông dân với doanh nghiệp; hợp tác và liên kết vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ở nông thôn.
Cùng với đó, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Cân đối và có kế hoạch đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu cấp vùng và tiểu vùng, trong đó ưu tiên hiện đại hóa các công trình thủy lợi, nhất là hạ tầng logistics nông sản và hạ tầng vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn, đảm bảo năng suất, chất lượng. Tiếp tục huy động sử dụng vốn vay thực hiện theo quy định hiện hành. Thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với xây dựng các trung tâm logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, các khu công nghiệp chế biến nông sản, các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng lõi của vùng chuyên canh chủ lực.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng bằng cách phối hợp xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp, Chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp, Chương trình khuyến nông cộng đồng, Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, quản lý nhà nước và dịch vụ công ngành nông nghiệp tại ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cần xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng.
Triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đối khí hậu vào sản xuất, chế biến nông sản chủ lực và xây dựng nông thôn mới bền vững của vùng ĐBSCL; khai thác tài nguyên thích ứng biến đổi khí hậu và giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều thách thức (Bài 1)
Lan Hương
Bình luận