Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 14/04/2022 21:04
TMO - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646 ha. Với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO. Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra hồi tháng 9/2021 tại Nigeria, hồ sơ đề cử được thông qua và chính thức được tổ chức UNESCO công nhận.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa sở hữu giá trị đa dạng sinh học về tài nguyên rừng, biển với nhiều loài động thực vật quý hiếm
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (Ninh Thuận) hội tụ đầy đủ 3 không gian là rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.
Voọc chà vá chân đen là một trong những loài động vật quý hiếm tại Khu dư trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa
Theo khảo sát mới nhất của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 48 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.
Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có nhiều loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Ngoài ra, với 40 km đường biển bao quanh, Núi Chúa có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam, trong đó trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển.
Đây là nơi có mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô đặc trưng của Viêt Nam và khu vực Đông Nam Á
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700 - 800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Không chỉ đa dạng về các hệ sinh thái, cảnh quan, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa Chăm, Raglai sinh sống tại đây.
Các di sản văn hóa vật thể nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa tồn tại hàng thế kỷ, nhất là hệ thống các tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội lớn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn lưu giữ thềm san hô cổ
Để bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bền vững, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, phát triển diện tích rừng trồng tự nhiên.
Bên cạnh đó, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa triển khai các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm thông qua các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương, phát triển tổ thủ công mỹ nghệ làm đồ trang sức từ hạt cây rừng, giúp người dân từng bước có thu nhập ổn định để giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng, biển.
Nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của khu dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ cho công tác bảo tồn.
Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng.
Thu Thảo
Bình luận